Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, hình thành và phát triển

​​Hải Dương là tỉnh thuộc trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc địa bàn trọng điểm kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Phía đông giáp thành phố Hải Phòng; phía tây giáp tỉnh Hưng Yên; phía bắc giáp 3 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh; phía nam giáp tỉnh Thái Bình. ​

Tên gọi "Hải Dương" chính thức có từ năm 1469. Hải Dương có nghĩa là "ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về".


Cổng Đông Môn Thành Đông xưa


Ðịa giới hành chính Hải Dương qua các thời kỳ lịch sử

Hải Dương là vùng đất được hình thành trong thời đồ đá. Cùng với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, vùng đất này cũng có những thay đổi về tên gọi, địa giới hành chính. Lúc đầu là một bộ phận thuộc Dương Tuyền (thời Hùng Vương); Giao Chỉ, Giao Châu (thiên niên kỷ I); sau trở thành Nam Sách Lộ, Hồng Lộ (thời Lý, Trần); Hồng Châu, Nam Sách Châu (cuối thế kỷ XVI); Thừa Tuyên, Hải Dương (năm Quang Thuận thứ 10 - năm 1469). Năm 1831, tỉnh Hải Dương chính thức được thành lập (lúc này tỉnh Hải Dương còn có tên gọi là tỉnh Ðông), bao gồm:

+ Phủ Thượng Hồng có các huyện: Ðường Hào, Dương Yên, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo.

+ Phủ Nam Sách có các huyện: Nam Sách, Chí Linh, Thanh Hà, Tiên Lãng.

+ Phủ Kinh Môn có các huyện: Giáp Sơn, Ðông Triều, Thuỷ Ðường, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, An Dương.

Năm 1887, huyện An Dương, An Lão và một phần đất của huyện Thuỷ Ðường được tách ra, thành lập tỉnh Hải Phòng. Năm 1889, cắt toàn bộ huyện Thuỷ Ðường và năm 1893 cắt tiếp huyện Tiên Lãng cùng một phần đất huyện Kim Thành, Kinh Môn về Hải Phòng.

Năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để tiện cho việc chỉ đạo, chỉ huy tác chiến, các huyện Ðông Triều, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn chuyển về tỉnh Hồng Quảng. Năm 1954, các huyện trên lại chuyển về tỉnh Hải Dương. Năm 1960, huyện Ðông Triều được cắt hẳn về Hồng Quảng và huyện Vĩnh Bảo cũng cắt về tỉnh Kiến An.

Từ năm 1960 trở đi, tỉnh Hải Dương có các huyện: Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Chí Linh và thị xã Hải Dương.

Tháng 3-1968, theo Nghị quyết số 504/NQ-TVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương hợp nhất với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Toàn tỉnh lúc này có 20 huyện và 2 thị xã, tỉnh lỵ là thị xã Hải Dương.

Tháng 4-1979, huyện Gia Lộc hợp nhất với huyện Tứ Kỳ thành huyện Tứ Lộc; huyện Thanh Miện hợp nhất với huyện Ninh Giang thành huyện Ninh Thanh; huyện Cẩm Giàng hợp nhất với huyện Bình Giang thành huyện Cẩm Bình.

Tháng 4-1979, huyện Nam Sách hợp nhất với huyện Thanh Hà thành huyện Nam Thanh; huyện Kinh Môn hợp nhất với huyện Kim Thành thành huyện Kim Môn.

Tháng 6-1996, huyện Ninh Thanh và Tứ Lộc tách ra thành các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc.

Tháng 1-1997, tỉnh Hải Hưng tách ra thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, tỉnh lỵ tỉnh Hải Dương là thị xã Hải Dương.

Tháng 4-1997, huyện Cẩm Bình tách thành 2 huyện Cẩm Giàng và Bình Giang; huyện Kim Môn tách thành 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn; huyện Nam Thanh tách thành 2 huyện Nam Sách và Thanh Hà.

Tháng 8-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/NÐ-CP nâng cấp thị xã Hải Dương thành thành phố Hải Dương. Như vậy, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Hải Dương có 11 huyện là: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn, Chí Linh và thành phố Hải Dương.

Sơ lược lịch sử Hải Dương

Là một tỉnh thuộc vùng Ðồng bằng sông Hồng, có thời là một trong "tứ trấn" bảo vệ kinh thành Thăng Long, Hải Dương đã trải qua mọi biến động của lịch sử đất nước. Lịch sử của tỉnh cũng là lịch sử của những chiến công hào hùng.

Năm 905, Khúc Thừa Dụ, người làng Cúc Bồ (huyện Ninh Giang) đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chính quyền cai trị của phong kiến phương Bắc, giành quyền tự chủ cho dân tộc.

Thế kỷ XIII, khi vó ngựa Nguyên - Mông xâm lược nước ta, tại bến Bình Than (nay thuộc địa phận huyện Nam Sách), vua Trần Nhân Tông đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của các vương hầu, bách quan bàn kế sách đánh giặc (lịch sử gọi cuộc họp này là Hội nghị Bình Than).

Tháng 5-1285, quân Nguyên - Mông bị quan quân nhà Trần đánh tan tác, tướng giặc là Toa Ðô bị chém chết. Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đuổi theo đánh úp tướng Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Ngày 10-6-1285, chiến thắng Vạn Kiếp tiêu diệt quá nửa quân Nguyên - Mông. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn sang biên giới. Năm 1287, nhà Nguyên lại sai Trấn Nam Vương Thoát Hoan sang xâm lược nước ta. Quân Nguyên hội quân ở sông Bạch Ðằng đón thuyền lương, bị Hưng Ðạo Vương đánh bại. Tháng 4-1288, Thoát Hoan đem tàn quân chạy theo đường bộ về Vạn Kiếp lên biên giới.

Năm 1873, quân Pháp bắt đầu xâm lược Hải Dương, nhưng đã phải thua chạy trước sự chống trả quyết liệt của nhân dân Hải Dương. Phải 10 năm sau (năm 1883), quân Pháp mới quay lại và chiếm đóng Hải Dương. Phong trào kháng Pháp phát triển rầm rộ, lan rộng trong toàn tỉnh. Tên công sứ Pháp ở Hải Dương đã phải thú nhận: "Sau cuộc xâm lăng, chúng ta phải trả một cái giá quá đắt cho chiến thắng".

Ðầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ tư sản dấy lên mạnh mẽ ở Hải Dương. Ðiển hình là phong trào Ðông Du, Ðông Kinh Nghĩa Thục (1905 - 1907); phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh (1925 - 1926). Năm 1928 - 1930, tổ chức Việt Nam Quốc dân Ðảng đã gây dựng cơ sở ở thị xã Hải Dương và các huyện Vĩnh Bảo, Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ðông Triều. Ngày 15-2-1930, tại làng Cổ Am (Vĩnh Bảo) đã nổ ra cuộc khởi nghĩa, quân khởi nghĩa đã kéo vào cướp huyện đường, giết chết tri huyện Hoàng Gia Mô. Mặc dù sau đó, làng Cổ Am bị dìm trong bể máu, nhưng cuộc khởi nghĩa là minh chứng cho tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân Hải Dương.

Từ năm 1930, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng, nhân dân Hải Dương đã kiên cường bất khuất cùng cả nước đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945) và tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975) đi đến thắng lợi cuối cùng.

Kiêu hãnh, oai hùng với những chiến công vang dội trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm cùng truyền thống ngàn năm văn hiến, Hải Dương hôm nay đang khẳng định vị thế bằng những "bước chân Thánh Gióng" trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Hải Dương đang nỗ lực không ngừng để vươn lên hoà nhịp cùng sự đổi thay từng ngày, từng giờ của đất nước, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu đẹp, văn hiến và anh hùng.