Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Hải Dương đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; kinh tế có sự phục hồi khá, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,0% (KH năm từ 10% trở lên); thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định.
Ước tính, tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá 2010) tỉnh Hải Dương năm 2022 đạt 9,0%; cao thứ 27/63 cả nước và thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,4%; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,9% tương đương tăng 231 tỷ đồng; ngành thủy sản tăng 6,0% tương đương tăng 83 tỷ đồng; riêng hoạt động dịch vụ nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nên ít tác động đến tăng trưởng của ngành. - Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,8%, đóng góp 6,29 điểm% vào tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong quý I nhưng bắt đầu chậm lại trong quý II và quý III khi chi phí đầu vào cho sản xuất tăng và thị trường thế giới có nhiều biến động. Quy mô nền kinh tế năm 2022 (theo giá hiện hành) ước đạt 169.179 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 86,9 triệu đồng, tương đương 3.746 USD.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 151.967 ha, giảm 0,4% (-668 ha) so với năm trước; trong đó, vụ đông xuân đạt 87.533 ha, giảm 0,2% (-135 ha) so với cùng kỳ năm trước (vụ đông tăng 543 ha, vụ chiêm xuân giảm 678 ha); vụ mùa đạt 64.434 ha giảm 0,8% (-533 ha). Trong tổng diện tích gieo trồng, diện tích vụ đông là 22.354 ha, chiếm 14,7%; vụ chiêm xuân 65.179 ha, chiếm 42,9%; mùa mùa 64.434 ha, chiếm 42,4%. Tổng diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh năm 2022 đạt 22.482 ha, tăng 0,4% (+90 ha) so với năm trước. Cây vải là cây lâu năm trọng điểm của tỉnh, tổng diện tích trồng cây vải hiện có toàn tỉnh năm 2022 là 8.885 ha, giảm 0,7% (-65 ha) so với năm trước. Sản lượng một số cây ăn quả chính của tỉnh năm 2022 đều tăng hơn so với năm trước như: Sản lượng vải đạt 61.000 tấn, tăng 11,1%; sản lượng nhãn đạt 13.532 tấn, tăng 8,8%; sản lượng xoài ước đạt 3.380 tấn, tăng 1,5%; sản lượng chuối ước đạt 70.433 tấn, tăng 2,3%; ổi sản lượng ước đạt 78.307 tấn, tăng 5,1%; sản lượng na ước đạt 15.528 tấn, tăng 0,2%; sản lượng cam ước đạt 9.366 tấn, tăng 0,1%; sản lượng bưởi ước đạt 12.190 tấn, tăng 6,6% so với năm trước.
Năm 2022, việc tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Chăn nuôi lợn của các loại hình doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi qui mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển mạnh do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả. Chăn nuôi gia cầm tăng khá, không có dịch bệnh xảy ra, đàn gia cầm được duy trì và phát triển tốt.
Về chỉ số sản xuất công nghiệp, ước tháng 12, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh bằng 101,6% so với tháng trước và bằng 106,2% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, ngành khai khoáng bằng 78,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bằng 104,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà bằng 120,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải bằng 103,8%.
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung vào hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước phục 11 hồi và tạo đà phát triển; phát triển mạnh kinh tế tư nhân thực sự là một động lực, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Ước cả năm 2022, thành lập mới 1.600 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với năm trước, không đạt mục tiêu đề ra (KH năm tăng 15%); tổng vốn đăng ký 17,5 nghìn tỷ đồng (giảm 4%). Có 335 doanh nghiệp giải thể (tăng 16,3%); 1.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 43,5%) và 900 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (tăng 22%).
Các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh phục hồi tích cực, các hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 14 Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý IV, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt 24.366 tỷ đồng, tăng 10,9% so với quý III và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động tài chính, ngân hàng: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khan cho khách hang vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai 17 chương trình hỗ trợ lãi suất 2%...Mặt bằng lãi suất huy động tăng, trong đó có một số kỳ hạn tăng từ 0,5-3,0%/năm; mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm và tăng nhẹ trong quý 3 và quý 4 năm 2022 sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành vào ngày 23/9 và 24/10. Lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Lãi suất cho vay VND áp dụng phổ biến ở mức 6-9,6%/năm đối với ngắn hạn và từ 8,5-12,0%/năm đối với trung dài hạn.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 19.310 tỷ đồng; bằng 91,6% so với cùng kỳ, trong đó: - Thu nội địa: Ước đạt 16.007 tỷ đồng, bằng 87,0% so với thực hiện năm trước, gồm: Thu từ DN đầu tư nước ngoài ước đạt 4.146 tỷ đồng (giảm 324 tỷ đồng); các khoản thu về nhà, đất ước đạt 4.767 tỷ đồng (giảm 1.089 tỷ đồng). - Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 3.250 tỷ đồng, bằng 122,9% (tăng 606 tỷ đồng) so với thực hiện năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 ước đạt: 16.359 tỷ đồng, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng chi do tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu thường xuyên năm 2022; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung.
Về công tác phòng chống dịch Covid -19, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các ngành, địa phương hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện linh hoạt, có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh Covid19, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Qua đó, tạo điều kiện tốt cho học sinh được tới trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhịp sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới đã củng cố niềm tin, tạo sự an tâm, an toàn đối với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội....
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định; không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ; chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện, tình hình phức tạp trong tôn giáo..., không để phát sinh thành “điểm nóng” gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
File đính kèm:
Nguồn: BBT
Hôm nay: 6756
Tổng lượng truy cập: 16889508