Sáng ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.
Tại điểm cầu Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước dịch COVID-19 (năm 2019), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần so với năm 2015, đạt 18 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia). Trong khi đó, khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%.
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch…
Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch Covid-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá trong thời gian tới, nhất là vấn đề hạ tầng, xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển du lịch, chính sách visa…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch. Nhìn chung, du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao.
Thủ tướng nhấn mạnh: Để "Đẩy mạnh phục hồi-Tăng tốc phát triển" du lịch năm 2023 đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải làm du lịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm. Gắn du lịch với phát triển văn hóa, hội nhập quốc tế. Phải xây dựng dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản trị, chuyển đổi số về du lịch phải khoa học, tính thực tiễn cao. Việc đầu tư, quy hoạch du lịch phải tương xứng với tiềm năng hiện có. Du lịch phải có tính đa dạng, tính độc đáo, tính dặc sắc, cạnh tranh cao.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải huy động, ưu tiên các nguồn lực tổng hợp, trong đó có nguồn lực to lớn từ nhân dân. Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành tăng cường liên kết du lịch, tạo ra chuỗi tua tuyến bền vững. Cùng quyết tâm xây dựng du lịch nội địa mang thương hiệu quốc gia, địa chỉ hấp dẫn du khách trên thế giới.
Ngay sau hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng lại đề án cơ cấu lại ngành du lịch thích ứng với tình hình hơn. Bộ Ngoại giao tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Thủ tướng tin tưởng với sự nố lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của nhân dân du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nguồn: BBT
Hôm nay: 5543
Tổng lượng truy cập: 19490139