Những mô hình thiết thựcHội phụ nữ xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” từ tháng 6/2021. Mục đích ra đời của mô hình này là “biến rác thải thành tiền”.
Rác thải nhựa sẽ được phân loại, giữ lại rác tái chế trong “Ngôi nhà xanh” để mang đi bán, từ đó tạo ra nguồn kinh phí để tổ chức hoạt động tập thể hoặc an sinh xã hội tại địa phương. Chi hội phụ nữ ở cơ sở tích cực tuyên truyền, chủ động kết nối các nhà tài trợ xây dựng thêm “Ngôi nhà xanh” tại nhiều thôn xóm, giúp người dân dễ dàng tham gia giảm thiểu rác thải nhựa.
Hiện nay, không chỉ hội viên mà nhiều người dân ở địa phương này cũng hình thành thói quen bỏ rác tái chế vào “Ngôi nhà xanh” của hội phụ nữ. Bà Ninh Thị Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết: “Hội Phụ nữ xã hiện có 15 Ngôi nhà xanh tại 8 chi hội. Mô hình này đã dần làm thay đổi thói quen và nâng cao ý thức
bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên và nhân dân”.
Ngoài xã Tân Trường (Cẩm Giàng), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh này cũng tích cực triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh”, đến nay đã xây dựng được 383 “Ngôi nhà xanh” trên toàn tỉnh. Nguồn quỹ thu được từ bán rác tái chế, các cấp hội dùng cho các hoạt động an sinh xã hội như: tặng quà, đồ dùng học tập, hỗ trợ kinh phí “đỡ đầu trẻ em mồ côi”; tặng thẻ bảo hiểm y tế, xe đạp cho trẻ em, công trình nước sạch cho gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cũng triển khai hiệu quả nhiều mô hình. Theo báo cáo, đến nay 100% cơ sở Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh này đã chủ động xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó, tính riêng mô hình “Cánh đồng không rác thải” là 289 mô hình. Điển hình trong thực hiện mô hình có Hội Nông dân các huyện Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Hà.
Triển khai mô hình “Cánh đồng không rác thải”, trên các cánh đồng được xây dựng các bể làm bằng bê tông kiên cố để chứa rác thải bao bì thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó còn dựng các tấm biển tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt việc phân loại rác thải độc hại từ sản xuất nông nghiệp. Các hội viên nông dân đều thực hiện nghiêm việc để bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định sau mỗi đợt phun thuốc trừ sâu hay bón phân chăm sóc cây trồng; định kỳ tổ chức thu gom rác bị vương vãi trên cánh đồng.
Các mô hình bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa của Hội Nông dân trong tỉnh này còn có: 527 mô hình “Chi hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, 111 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ” với trên 4.000 hội viên tham gia.
Tiếp tục nhân rộng mô hìnhTháng 6/2019,
Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào toàn dân tham gia “Chống rác thải nhựa”. Việt Nam đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu cần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của toàn dân, tăng cường thu gom và xử lý rác thải nhựa.
Hưởng ứng phong trào và thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo việc xây dựng, triển khai giảm thiểu rác thải nhựa bằng những kế hoạch như: Chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông và sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần. Từ đó, các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đã có nhiều mô hình hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” cũng lan tỏa đến nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh này. Các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần được ưa chuộng sử dụng thay cho đồ làm bằng nhựa. Đặc biệt, nhiều cửa hàng dùng đồ thủy tinh thay cho cốc nhựa, dùng ống hút sản xuất từ giấy, sử dụng cốc giấy cho khách mang đi.
Giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường cũng được tuyên truyền trong nhiều trường học, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh như: Đổi chai nhựa hoặc vỏ lon lấy cây xanh, thu gom các loại phế liệu tái chế.
Đánh giá về hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh này, ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Các ngành, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình chống rác thải nhựa, góp phần vào kết quả chung của tỉnh. Đặc biệt, các địa phương, các ngành, đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch
phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay đổi thói quen tiêu dùng”.