Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hội nghị trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Sáng 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản rất quan trọng, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Việc tổ chức các cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc để các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp… góp ý trực tiếp, hoàn thiện theo quy trình chặt chẽ nhất để khi ban hành nghị định không để xảy ra vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực thi luật. Theo đó, các đại biểu cần tập trung cho ý kiến đối với những quy định, chính sách mới, đột phá, còn ý kiến khác nhau khi soạn thảo.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 27-11-2023, với 13 chương, 198 điều. Trong đó có 1 chương (Chương VI) quy định về chính sách nhà ở xã hội.

Dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 5 chương, 73 điều, nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời khi triển khai Luật Nhà ở. Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có nhiều điểm mới như: Quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chủ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đáng chú ý là quy định loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê…

Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực sẽ thay thế Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1-4-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số nội dung trong dự thảo Nghị định, như: Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Việc nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; việc nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ sau thời hạn 5 năm thì ngoài các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật, bên bán phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.


Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 19 của dự thảo Nghị định quy định trường hợp đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với tiêu chuẩn diện tích lô đất nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 1,0 lần được quy định tại Điều 27 cần cân nhắc lại. Đối với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê thì hộ gia đình, cá nhân tự xác định giá nhưng không được cao hơn khung giá do UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở xã hội cho thuê ban hành.

Phát biểu kết luận một số nội dung quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…

 

​