Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030,

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hải Dƣơng

​Mục tiêu tại kế hoạch đề ra là bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được trồng mới trong giai đoạn 2021-2030, đáp ứng yêu cầu phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; nâng cao năng suất chất lượng rừng đặc biệt là rừng tự nhiên; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 đạt 1.544 ha. 

 Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng. 

Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. 

Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác giá trị của vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, lịch sử

Tại Kế hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:  (1) Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng tham gia trồng rừng sản xuất gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đồng thời tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững; (2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng như du lịch sinh thái, phát triển lâm sản ngoài gỗ tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như dược liệu, thực phẩm; nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh hại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của địa phương. (3) Xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông, lâm, ngư kết hợp phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. (4) Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; phát huy trách nhiệm và khuyến khích sự tham gia quản lý rừng và chia sẻ lợi ích của cộng đồng, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.  (5). Triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các bon,tiến tới tham gia thị trường tín chỉ các bon rừng.  (6) Các chủ rừng có tiềm năng tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với người dân sống trong và gần rừng; Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng thể hiện được tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý.​