Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

Thứ hai, 20/01/2025  |  English  |  中文

Đề xuất các hướng đột phá, động lực mới, chủ trương lớn để đất nước tiếp tục đà đi lên

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm".

Chiều 30/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), tại TP. Ninh Bình.

Thông tin thêm một số nội dung của Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, sáng 30/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tư duy làm luật đang phải thay đổi để theo kịp với tình hình trong và ngoài nước, bởi "nếu không tháo gỡ "chiếc áo đã chật" thì rất khó hành động mau lẹ, hiệu quả".

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH chia sẻ, đóng góp ý kiến, suy nghĩ, trăn trở từ thực tiễn, bài học quản lý ở địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, đề xuất các hướng đột phá, động lực mới, chủ trương lớn để đất nước tiếp tục đà đi lên, tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức về cơ chế, chính sách pháp luật, thủ tục hành chính…

Lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh vùng ĐBSH; những nút thắt, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện; những mô hình, cách làm sáng tạo; kiến nghị đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu chia sẻ, cần chuyển từ thu hút vốn FDI sang hợp tác FDI nhằm khai thác tối ưu hiệu quả dòng vốn FDI, tạo sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, lựa chọn công nghệ, chú trọng nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Ông Lê Tiến Châu nêu một số kiến nghị: Lấy đột phá tư duy để đột phá thể chế, mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới; đồng thời tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù ở một số địa phương để nhân rộng những gì đã chứng minh hiệu quả nhằm tiết kiệm thời gian, phát huy tối đa nguồn lực; khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, bảo đảm cân bằng, hài hoà, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm thời gian, chi phí cơ hội cho doanh nghiệp, người dân; kiến nghị đưa vào Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng danh mục một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, phải hoàn thành để đánh giá lượng hoá được.
Lãnh đạo các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc nhận định liên kết kinh tế vùng ĐBSH còn chưa chặt chẽ, thiếu phân công dựa trên lợi thế từng địa phương, mới dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Vì vậy, trong thời gian tới, vùng ĐBSH cần tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tôn trọng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung thu hút FDI trong các ngành công nghiệp mới; phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng cả về đường bộ, đường sắt, đường biển; ưu tiên đào đạo nhân lực chất lượng cao… với cơ chế chỉ đạo thống nhất trong vùng.

Nêu thực tế, trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài đang làm lãng phí nguồn lực, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hoá thủ tục hành chính theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, "rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm". Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, các địa phương cũng phải chủ động cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Từ kết quả, kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đề xuất có quy định, tiêu chí, chính sách phát triển đặc thù cho các địa phương, đô thị có nhiều di sản, trên cơ sở đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vùng ĐBSH, cùng với vùng Đông Nam Bộ, luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước trong nhiều năm qua, nơi thí điểm những cơ chế, chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế mà nhiều địa phương cả nước đang gặp phải.
Phó Thủ tướng đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, vùng ĐBSH còn hạn chế về cơ cấu kinh tế, mức độ ổn định, khả năng tự chủ, nhất là khả năng phát huy động lực phát triển từ các DN FDI để tiếp cận, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, tạo ra các hệ sinh thái doanh nghiệp… Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng để thay đổi mô hình, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo. Đây chính là vai trò trung tâm kiến tạo của Nhà nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển các ngành công nghiệp cơ bản, nghiên cứu cơ bản, nhân lực chất lượng cao… là nền tảng quan trọng cho các ngành kinh tế mới (năng lượng xanh, carbon thấp, công nghiệp công nghệ cao…), hướng tới xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập, bảo đảm tính tự chủ, đủ khả năng ứng phó với những biến động bên ngoài.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp đề xuất danh mục các dự án, mục tiêu ưu tiên, động lực, đột phá để nâng cao giá trị của từng địa phương, từng vùng và Việt Nam với thế giới. Đồng thời, lựa chọn thí điểm một số vấn đề mới, chính sách mới như xây dựng khu thương mại tự do cạnh tranh với thế giới.
Phó Thủ tướng lưu ý, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được quan tâm xem xét cả về hiệu quả kinh tế (canh tác, chế biến, bảo quản, tiếp cận thị trường), phát triển theo hướng đa giá trị, bảo đảm an ninh lương thực, là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục làm rõ những vấn đề mới xuất hiện, đang hình thành xu thế về kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế dựa vào văn hoá, bảo tồn thiên nhiên,…








EMC Đã kết nối EMC