Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Trước diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Theo đó, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa tội phạm và vi phạm liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, có biện pháp thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 28- CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… nhất là tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp (05 nhóm giải pháp) đã đề ra trong Kế hoạch số 691/KH-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền. Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan (Công an tỉnh; Sở Lao động thương binh, xã hội; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; chính quyền các cấp…), đổi mới công tác tuyên truyền, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền cụ thể (ngắn hạn, dài hạn), đa dạng về nội dung, hình thức tuyên truyền.

Chủ tịch UBND tỉnh yê cầu Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự; phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với vi phạm, tội phạm nói chung các hành vi xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp với Sở Thông tin, Truyền thông quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các thông tin độc hại trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…). Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình, xác định địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng đã có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em,... Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện (nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, karaoke,...), kịp thời có biện pháp phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp xác minh, điều tra, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ xâm hại trẻ em, nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan (Sở Thông tin, Truyền thông, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch…) kiểm soát chặt chẽ các vật phẩm, ấn phẩm độc hại để tránh việc trẻ em bị dụ dỗ, tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến lệch lạc trong việc phát triển và hình thành nhân cách. Rà soát, quản lý các trẻ có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời (nhất là những trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, những trẻ em bị bỏ rơi lang thang cơ nhỡ, những em sống trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…)... Đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. (3) thiết lập đường dây tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến trẻ em, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em, để cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ khi có nhu cầu.

Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn các học sinh cá biệt (có biểu hiện chán học, thường xuyên bỏ học, ham chơi, đua đòi…); tạo môi trường lành mạnh để các em học tập, vui chơi. Chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục để kịp thời thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra.

Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ y tế nhằm bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nhất là cơ quan giám định (trực thuộc sở) thực hiện hiệu quả công tác giám định các trường hợp bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; chủ động phát hiện, cung cấp thông tin về những hành vi xâm hại tình dục trẻ em để cơ quan chức năng kịp thời xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.