Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Chủ động ứng phó với mưa bão lũ trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do bão số 1 gây ra và trong mùa mưa lũ năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên quan và các địa phương thực hiện triển khai một số nhiệm vụ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 4h ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 (tên quốc tế là Talim) cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15; bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do bão số 1 gây ra và trong mùa mưa lũ năm 2023; đồng thời đảm bảo ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi, thủy sản, phòng chống dịch bệnh động vật. Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn liên quan và các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa bão, lũ xảy ra để ổn định sản xuất.

*Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Hướng dẫn người chăn nuôi đảm bảo an toàn cho vật nuôi ứng phó với bão số 1 và trong mùa mưa lũ năm 2023 

* Đối với vùng nuôi thủy sản trong ao: 
- ​Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao cho chắc chắn, bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5 m. Kiểm tra hệ thống xả tràn cho ao nuôi, chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát thủy sản nuôi. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng. Rải vôi bột xung quanh bờ ao với lượng khoảng 10 kg/100 m2 để ổn định pH cho ao nuôi khi có mưa lũ. 
- Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi sẽ bị đục và pH bị giảm đột ngột nên bón vôi cho ao, đầm nuôi với liều lượng 0,7- 1,0 kg/100 m3 nước để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao. 
- Sau mưa lũ, khi phát hiện cây đổ, lá rụng, xác chết gia súc, gia cầm ở các khu vực xung quanh đổ xuống ao cần thu gom, loại bỏ ra khỏi ao, tránh làm cho môi trường nước bị ô nhiễm. Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan.
- Điều chỉnh giảm lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi có mưa lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãnh phí.
 
* Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên sông:
 - Kiểm tra lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hỏng lồng. Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.
 - Ở những nơi có dòng chảy lớn cần dùng tấm chắn, bạt che chắn phía trước lồng nuôi làm giảm dòng chảy trực tiếp vào lồng, ngăn chặn các vật rắn, gỗ làm hư hỏng lồng gây thất thoát cá ra ngoài. Hạn chế cho ăn khi mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí. 
- Chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết. Không ở lại lồng bè nuôi khi có mưa lũ lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người. Có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn… Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trên các sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động đối phó nhằm bảo vệ thủy sản nuôi đạt hiệu quả cao nhất. 
- Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước. ​​