
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng trả lời chất vấn của đại biểu
Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh, giải pháp khắc phục trong thời gian các cơ sở bị đình chỉ để không ảnh hưởng đến người dân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở đào tạo sát hạng giấy phép lái xe ô tô và mô tô hạng A1, trong đó có 4 cơ sở do tư nhân đầu tư, 3 cơ sở là đơn vị sự nghiệp thuộc bộ ngành trung ương đóng trên địa bàn. Thời gian qua, các trung tâm cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo thực tế. Dự kiến trong năm 2023, có khoảng 20.000 người có nhu cầu học và sát hạch giấy phép lái xe ô tô và 17.000 người học lái xe môt tô hạng A1, trong 6 đầu năm sở đã tổ chức sát hạch được 11.100 học viên, dự kiến tháng cuối năm còn khoảng 25.300 học viên.
Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo Bộ GTVT về việc tăng cường quản lý chất lượng sát hạch, Sở đã chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Qua kiểm tra, đã xử lý vi phạm hành chính 5 trung tâm sát hạch và tước giấy phép lái xe từ ngày 31/3 - 30/6 2023; 4/7 cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh, trong đó 1 cơ sở bị thu hồi giấy phép. Do thanh tra, kiểm tra, 31/3- 30/6, có 11.000 học viên bị tồn đọng việc việc sát hạch. Đến nay, 5 cơ sở đã hết thời hạn đình chỉ, Sở đã chỉ đạo các cơ sở khẩn trương đẩy nhanh việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Dự kiến trong tháng 7, sẽ tổ chức 27 kỳ sát hạch lái xe để giải quyết cho khoảng 10.100 học viên tồn đọng. Thay mặt ngành, đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã thẳng thắn nhận lỗi trước cử tri và nhân dân trong tỉnh do việc triển khai công việc chuyên môn đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến người học để cấp giấy phép lái xe.
Đối với câu hỏi chất vấn của đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là tại các khu vực đô thị; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở Giao thông vận tải được giao xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng và phần đất bảo trì đã được đền bù. Từ năm 2022 đến nay, Sở đã xử lý vi phạm 833 vụ, đạt 70% các trường hợp vi phạm thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên công tác giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện vi phạm, kiên quyết xử lý đến cùng các trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện hết chức trách nhiệm vụ, chủ động quyết liệt xử lý vi phạm theo thẩm quyền được giao
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về giải pháp của Sở Giao thông vận tải để giải quyết tình trạng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, số vụ tai nạn giao thông tăng, trong đó đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến các vụ tai nạn và va chạm giao thông có xu hướng tăng cao… Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, năm 2022 tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, đây là năm có tỉ lệ tai nạn giao thông giảm mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, do đó, việc so sánh tình hình tai nạn giao thông năm 2023 với năm 2022 sẽ dẫn đến tình trạng tăng vọt trong năm 2023. Lý giải tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng nguyên nhân do mức sống các gia đình tăng lên, số lượng thanh thiếu niên được trang bị phương tiện xe gắn máy, xe mô tô cũng gia tăng, trong khi, các cháu chưa đủ điều kiện điều khiển xe, chưa có kỹ năng lái xe an toàn, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, lượng phương tiện tăng mạnh trong khi quy mô và chất lượng đường giao thông chưa đáp ứng kịp... là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến thanh thiếu niên xảy ra thời gian qua.
Giám đốc Sở Giao thông cũng đề xuất một số giải pháp từng bước khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành giao thông, quản lý chặt chẽ quy hoạch giao thông, hạn chế đấu nối đường tỉnh, huyện có lưu lượng lớn, nâng cao chất lượng bảo trì, giải quyết điểm đen về tai nạn giao thông, nghiên cứu kết nối phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ...

Đại biểu Nguyễn Vĩnh Sơn đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Vĩnh Sơn, Tổ đại biểu thị xã Kinh Môn liên quan đến việc quản lý các doanh nghiệp đăng ký hoạt động lĩnh vực đo đạc trên địa bàn tỉnh và các khoản thu đối với người dân khi thực hiện các dịch vụ đo đạc, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hoàng Văn Thực cho biết trên địa bàn tỉnh có 31 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đo đạc, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường có 3 đơn vị sự nghiệp được cấp phép; thời gian qua, 18/31 đơn vị phối hợp Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hải Dương triển khai việc đo đạc. Các đơn vị này hoạt động ở nhiều tỉnh dẫn đến số lượng hồ sơ nhiều, việc xử lý công việc còn hạn chế.
Trong trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kết quả đo đạc của các đơn vị phải được Văn phòng đăng ký đất đai thẩm định. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rất sát sao kiểm tra, giám sát và đã phát hiện những vấn đề còn tồn tại trong đo đạc và yêu cầu khắc phục. Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động đo đạc của các đơn vị, để đảm bảo theo đúng nề nếp và quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hoàng Văn Thực trả lời chất vấn của đại biểu
Đối với câu hỏi chất vấn về việc chậm xử lý hồ sơ, công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã lý giải nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan do từ ngày 1/6/2022 Văn phòng đăng ký đất đai mới hợp nhất về Sở Tài nguyên và môi trường. Sau hợp nhất, các chi nhánh gặp vướng mắc, khó khăn về trang thiết bị máy móc và thời gian ổn định tổ chức nên dẫn đến độ trễ trong giải quyết việc xử lý hồ sơ. Hiện chi nhánh các huyện đã trang bị đủ trang thiết bị đo đạc và cơ bản tổ chức bộ máy nên tình trạng này sẽ dần được khắc phục. Cùng với đó, việc triển khai đồng bộ hoá dữ liệu đất đai theo Đề án 06 cũng dẫn đến một số vướng mắc trong việc xử lý hồ sơ. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và môi trường sẽ bãi bỏ một số thủ tục hành chính để phân cấp cho chi nhánh cấp huyện thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ.
Trả lời câu hỏi tổng hợp ý kiến cử tri một số địa phương phản ánh người dân sau khi tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới nhưng chậm được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ đề xuất với tỉnh có cơ chế hỗ trợ kinh phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ trả lời chất vấn của đại biểu
Trong phần trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính đã có những giải trình của đại biểu về tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho cấp huyện, xã trong giai đoạn hiện nay và công tác phân bổ nguồn thu từ đất và giải pháp giải quyết tình trạng các xã, thị trấn nợ tiền đọng tiền xây dựng cơ bản từ xây dựng nông thôn mới, các đơn vị không còn nguồn thu từ đất để thanh toán nợ...