Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh và đại diện một số sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Theo báo cáo, năm 2023, là năm đầu tiên ngành thanh tra triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 nên khối lượng công việc tăng nhiều hơn các năm trước. Trong bối cảnh đó, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thúc đẩy tiến độ ban hành kết luận thanh tra; kịp thời triển khai các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực (TNTC); công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Qua hoạt động thanh tra phát hiện sai phạm về tiền tăng gần 200%, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng hơn 600% so với năm 2022; việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tăng 10% số vụ việc và 47% số đối tượng.
Cụ thể, năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2023 có 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận 422.601 đơn các loại, đã giải quyết 88,4% số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong năm 2023 đã phát hiện 114 vụ việc, 176 người tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã thông tin khái quát về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước trong năm 2023. Đồng thời khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp quan trọng của ngành Thanh tra. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí ghi nhận và biểu dương tinh thần nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, đóng góp của ngành Thanh tra trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, ngành Thanh tra cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trong đó, cần tập trung thanh tra những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Chú trọng công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành. Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng giải quyết ngay vấn đề phát sinh từ cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Thanh tra cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong đó tập trung vào thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, về kiểm soát tài sản, thu nhập; tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Đồng chí cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến kiến nghị tại hội nghị để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết.