
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, trước kia gọi là Lễ
hội Côn Sơn hay Lễ hội chùa Hun, bắt nguồn từ ngày giỗ Trúc Lâm đệ
tam Tổ – Huyền Quang (thế kỷ XIV), thường được tổ chức tại chùa Côn
Sơn (Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự), nằm dưới chân núi Côn Sơn, tục gọi
là chùa Hun.
Từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung
tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái của người Việt, góp
phần làm nên sức mạnh Đông A - điểm tựa tinh thần cho quân và dân Đại Việt giữ
vững nền độc lập. Nơi đây, cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở
nước ngoài lại nô nức trẩy hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái
Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Gần 7 thế kỷ qua, những giá trị di sản văn hóa ở Côn Sơn đã
góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, không chỉ của riêng vùng đất Hải
Dương mà trở thành dòng chảy liên tục hội tụ, kết tinh và lan tỏa, bằng sức sống
văn hóa, tâm nguyện của hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam. Từ đây, tinh thần ấy,
ý chí ấy đã lan tỏa, ăn sâu vào tâm thức mỗi gia đình, mỗi người dân yêu nước,
với tấm lòng hướng thiện, có vị thế quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt
Nam.
Từ thời Lê Sơ, lễ hội chùa Côn Sơn đã được tổ
chức rất quy củ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Phong tục
ở đây, cứ đến đầu mùa xuân, trai gái đến chùa dâng hương hàng tuần mới tan, đó
là thắng hội của một phương”.
Đầu thế kỷ XX, lễ hội bị thu hẹp lại, hầu như chỉ là việc nội
bộ của tăng ni và cư dân xã sở tại. Lễ hội bị gián đoạn trong cuộc chiến tranh
chống Mỹ và được khôi phục vào năm 1968. Năm Canh Thân (1980), Lễ hội chùa
Côn Sơn được tổ chức long trọng nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh danh nhân
văn hoá Nguyễn Trãi.
Trong những năm gần đây, Lễ hội chùa Côn Sơn được cộng đồng
cư dân phường Cộng Hòa, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, cùng với Ban
Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, từ
ngày 15 đến ngày 22. Việc tham gia lễ hội hằng năm đã trở thành nhu cầu không
thể thiếu trong đời sống văn hóa – tâm linh của cộng đồng.
Lễ hội chùa Côn Sơn còn là dịp tôn vinh các bậc tiền
nhân có công xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng đất nước, chống giặc
ngoại xâm… Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ hội được cộng đồng tổ chức mang
tính chất như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ bồi đắp thêm
lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Đặc biệt, lễ hội đã gắn bó với
làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng
đồng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của lễ
hội, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội
chùa Côn Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội
truyền thống.
Với nhiều hoạt động có tính truyền thống và phong phú,
độc đáo… Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được ghi danh trong Danh sách Di sản văn
hóa phi vật thể Quốc gia.
Diễn trình lễ hội:
Phần nghi lễ
Năm 1994, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được thành
lập, từ đó việc tổ chức các nghi lễ trong hội có quy mô và phong phú hơn. Đặc
biệt, năm 2006, khi thực hiện Đề án Nâng cấp Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn
2006 – 2010, nhiều nghi lễ liên quan được phục dựng thành công, tiêu biểu là:
– Lễ dâng hương khai hội: diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng,
tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả
và tôn vinh công đức to lớn của Thiền phái Trúc Lâm.
– Lễ rước nước, mộc dục: đây là một nghi lễ quan trọng
trong Lễ hội Côn Sơn, diễn ra vào sáng ngày 16 tháng Giêng, ngay sau khi kết
thúc lễ dâng hương khai hội. Năm 2008, lễ mộc dục chùa Côn Sơn được phục dựng,
thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.
– Lễ Mông Sơn thí thực: diễn ra vào tối ngày 17 tháng
Giêng tại sân chùa Côn Sơn. Đàn Mông Sơn thí thực bao gồm: đàn chính và đàn tiến
cúng Phật. Đây là một trong những nội dung quan trọng được phục dựng thành công
trong Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2010.
– Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc: diễn ra vào sáng ngày 17
tháng Giêng tại Trung Nhạc miếu, trên núi Ngũ Nhạc, do các pháp sư thực
hiện. Vật phẩm gồm lễ chay (hoa quả, các loại bánh), lễ mặn (xôi, thịt), ngoài
ra, còn có đồ mã và ngũ cốc… Tế trời đất tại Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh hoạ,
mong cho mùa màng bội thu, quốc thái, dân an.
Các sinh hoạt văn hóa dân gian trong hội
Ngoài các nghi lễ gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, Lễ hội
chùa Côn Sơn còn hấp dẫn đặc biệt đối với du khách bởi các sinh hoạt
văn hóa mang tính đặc thù, tiêu biểu như:
- Hội thi Hội thi bánh chưng, bánh giầy: là một nét đẹp truyền thống được tổ chức nhằm
hướng về Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), thể hiện đạo lý uống nước nhớ
nguồn, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Những chiếc
bánh thơm ngon, đẹp mắt nhất hội thi đã được Ban Tổ chức dâng cúng phật, thánh
và thể hiện tấm lòng tri ân thành kính của thế hệ con cháu hôm nay đối với công
lao của các bậc tiền nhân.
– Thư pháp: vào những ngày hội, các cụ đồ và các vị cao
tăng thường viết chữ Hán – Nôm tặng cho du khách. Hiện nay, câu lạc bộ
Hán – Nôm của tỉnh Hải Dương đã về đây viết chữ để phục vụ cho du
khách khi đến chùa.
– Đấu vật: là tâm điểm thu hút khách thập phương khi về dự Lễ
hội chùa Côn Sơn từ bao đời nay.
– Hát quan họ: được tổ chức vào những ngày diễn ra lễ hội từ
ngày 16 đến ngày 20 tháng Giêng, tại cổng chùa Côn Sơn.
- Liên hoan pháo đất được tổ chức với mục đích nhằm tăng
cường các hoạt động làm phong phú thêm các giá trị di sản văn hóa đặc sắc trong
chương trình Lễ hội. Đây là trò chơi dân gian có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc
Bộ, hiện phổ biến ở ba huyện thuộc Hải Dương là huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang và Gia
Lộc.