Tại phiên họp, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính báo cáo nội dung liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương; việc sửa đổi, bổ sung Quy định Hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp
Theo báo cáo, Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương thông qua tại Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2019. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 55/2019/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2019 ban hành Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Từ khi ban hành đến nay, Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 đã cơ bản đáp ứng được việc làm căn cứ áp dụng giá đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013.
Qua quá trình thực hiện bảng giá đất điều chỉnh bổ sung cho thấy giá đất trong bảng giá tại nhiều nơi còn thấp so với giá đất phổ biến trên thị trường thể hiện qua hệ số điều chỉnh giá đất khi bồi thường rất cao, đặc biệt là khu vực nông thôn và các vị trí đất ở đô thị có lợi thế thương mại. Ngoài ra, bảng giá đất hiện nay còn chưa cụ thể về giá đất khu vực còn lại ở nông thôn nên gặp nhiều khó khăn trong xác định giá đất đối với các khu vực này. UBND tỉnh đã ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2022 và chuẩn bị ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2023, trong đó điều chỉnh tăng hệ số giá đất ở nhiều tuyến đường, vị trí, đặc biệt là khu vực còn lại ở nông thôn.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Như Trang trình bày báo cáo tại phiên họp
Về cơ bản, nội dung bổ sung các vị trí đất còn thiếu là cần thiết và đều được so sánh với giá đất phổ biến trên thị trường của khu vực xác định giá, có so sánh tương quan với các khu vực lân cận. Đối với các vị trí tăng mức giá, mức tăng chủ yếu tập trung vào các vị trí có lợi thế về thương mại dịch vụ, nơi tập trung đông dân cư, ven đường giao thông chính... Việc tăng giá đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ mức tăng giá sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của hộ gia đình, cá nhân (Tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) và tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh (Tiền thuê đất, tiền sử dụng đất). Tuy nhiên, mức tăng giá này phù hợp với xu hướng thị trường, đảm bảo mức tương quan với các khu vực lân cận nên sẽ được người dân, tổ chức doanh nghiệp ủng hộ để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo nội dung tờ trình của Sở Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 20.3.2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định hệ số giá đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2023 trên dựa trên nguyên tắc giữ nguyên phần nội dung của quy định, chỉ điều chỉnh phương án hệ số điều chỉnh giá đất tại các phụ lục kèm theo Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 20/3/2023 của HĐND tỉnh. Cập nhật toàn bộ nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của bảng giá đất và xây dựng phương án hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp với giá đất phổ biến thực tế có tính đến yếu tố biến động của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Trong đó, đối với trường hợp các tuyến đường, phố, khu vực được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá đất tại bảng giá đất thì hệ số điều chỉnh giá đất sẽ điều chỉnh tăng, giảm tương ứng để bảo đảm mức giá đất tỉnh quy định năm 2023 sau khi điều chỉnh tối đa bằng mức bảng giá nhân hệ số quy định tại Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Qua nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí đối với các nội dung của 02 tờ trình. Đồng thời đề nghị sở Tài chính và sở Tài nguyên & Môi trường rà soát lại các nội dung của tờ trình, trong đó cần làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 theo đúng quy định của pháp luật; Làm rõ tính cấp bách trong trường hợp vận dụng ban hành văn bản theo hình thức rút gọn; tham khảo các tỉnh lân cận, đánh giá tác động của thị trường sau khi bảng giá đất ban hành. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các địa phương, các sở ngành và Văn phòng UBND tỉnh bổ sung, hoàn thiện báo cáo BCS Đảng sớm trình Ban Thường vụ cho ý kiến để kịp trình HĐND trong kỳ họp tới.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại phiên họp
Đối với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, nạo vét kênh dẫn nước tưới, tiêu và cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 và đề xuất chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo trạm bơm Chu Đậu, huyện Nam Sách của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tu bổ, nạo vét kênh dẫn nước tưới, tiêu và cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Theo đó, sẽ cải tạo và nâng cấp 18 trạm bơm với mục tiêu đầu tư tu bổ, nạo vét kênh dẫn nước tưới, tiêu và cải tạo, nâng cấp một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cấp nước tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp và tiêu úng cho một phần diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Mặc dù nhiều trạm bơm đã xuống cấp nhưng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công có hạn, UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư trên nguyên tắc tiết kiệm, đầu tư đúng, đủ, có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên. Nghiên cứu rà soát thật kỹ về quy mô, mức độ, chất lượng đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Các Sở, ngành, đơn vị khác có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm, phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định.

Bà Trương Tú Phương - Chủ tịch HĐQT Đại An phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp Sở Xây dựng báo cáo chủ trương và Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đại An mở rộng. Theo báo cáo, KCN Đại An mở rộng - gia đoạn 1 đến nay đã xây dựng hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp theo quy hoạch, dự án được chấp thuận, phê duyệt đã thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, tỷ lệ lấp đầy 95%; Hiện nay, Chủ đầu tư đang tiếp tục thực hiện các bước triển khai dự án giai đoạn 2 theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới xây dựng thành một KCN tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có tính chất công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, có công nghệ sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường; là KCN có hệ thống công trình xã hội công cộng tiện tích, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản đồng tình đối với báo cáo chủ trương và nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đại An mở rộng. Đồng thời nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành trên cơ sở rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện theo QH đựơc duyệt thời gian qua đã đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện; nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc của người lao động trong KCN; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ 8 môi trường hiện nay và tổ chức khai thác, sử dụng quỹ đất KCN hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình BCS Đảng UBND tỉnh trước ngày 5.7 để trình HĐND trong kỳ họp sắp tới.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Trung phát biểu tại phiên họp
Cũng tại phiên họp, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch báo cáo Kết quả xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Qua nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị, triển khai xây dựng Hồ sơ và sự phối hợp của các ngành, các cấp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ thành lập Ban chỉ đạo hoàn thiện Hồ sơ; trong đó phân công rõ nhiệm vụ các thành viên để đi vào thực chất đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm về khu di tích để đạt được hiệu quả cao nhất. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần phối hợp với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các sở, ban, ngành của tỉnh để triển khai công việc đảm bảo tiến độ theo các mốc thời gian: hoàn thiện bản thảo Hồ sơ đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2023; Hoàn thiện Hồ sơ đề cử trình UNESCO trước ngày 30/9/2023; Hoàn thiện Hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023. Sở VHTT&DL là đơn vị thường trực tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ 03 tỉnh đã thống nhất, đảm bảo chất lượng để trình UNESCO công nhận Di sản thế giới.