Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Hải Dương là gần 7.800 tỷ đồng, với hàng loạt công trình trọng điểm, mang tính chiến lược, tạo đà phát triển mạnh mẽ trong các năm tới. Năm 2023, tỉnh này giải ngân vượt 110% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tăng tốc để xóa vị trí cuối bảngĐể có được con số ngoạn mục trên, Hải Dương đã có những giải pháp hữu hiệu, quy tụ được tính quyết liệt của người chỉ huy, quyết tâm cao của các cấp, sự đồng thuận trong nhân dân.
Chia sẻ với PV VietNamNet Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết: Việc giải ngân đầu tư công là bước sau cùng của chuỗi quy trình liên quan đến thực hiện các dự án công, ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh.
Để triển khai một dự án thành công thì người được giao nhiệm vụ chỉ huy công tác đầu tư công phải nắm chắc kiến thức tổng hợp về Luật Quy hoạch, Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách và Luật Đất đai… Từ đó, vận hành tổng hợp các kiến thức đảm bảo tính logic, tính tổng hợp trên sự đan xen khoa học của các quy trình pháp lý liên quan.
“Hải Dương coi giải ngân đầu tư công như một bài toán khó nhưng phải tìm ra phương pháp giải giản đơn, dễ làm, dễ hiểu. Năm qua, tỉnh có tổng hạng mức đầu tư công gần 7.800 tỷ. Đây là kế hoạch Chính phủ giao và được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, hết ngày 31/1/2024, tỉnh Hải Dương phải giải ngân ít nhất đạt 95% con số trung ương giao. Đó là thách thức với Hải Dương trong bối cảnh có nhiều điểm nghẽn mang tính lịch sử khó tháo gỡ”, ông Bản cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản phân tích: “Khâu giải phóng mặt bằng, giao đất được chúng tôi xác định là then chốt. Công đoạn này có nhanh, suôn sẻ thì các bước giải ngân mới thuận lợi.
Ở Hải Dương, không có đơn vị nào đi ngược lại chỉ đạo của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi chỉ ra từng hạng mục, từng phần việc một cách chi tiết; lên kế hoạch, phương pháp, tiến độ cụ thể. Lãnh đạo tỉnh giao việc tận tay, phân việc từng vai và ấn định thời gian hoàn thành, điểm rõ khoản tiền cần ứng, cần giải ngân cho các công trình, kèm với sự giám sát, đốc thúc sát sao”.
Đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp toàn quốc về tiến độ giải ngân đầu tư công. Ở thời điểm đó, Hải Phòng đã giải ngân được gần 100%. Còn Hải Dương ở mức rất thấp, mới hơn 10%, bị điểm danh là 1 trong 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nhất toàn quốc.
Nhưng chỉ hơn 10 ngày sau (15/12), toàn tỉnh tăng lên hơn 4.400 tỷ đồng, đạt hơn 57,6%, đánh dấu cho sự khởi sắc mới.
“Không sốt ruột, chúng tôi kiên định với kịch bản đã đề ra và tăng tốc. Sau đó ít ngày, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở các công trình trên toàn tỉnh báo về lần lượt nhảy số. Hết 31/12, Hải Dương cán đích 110% tỷ lệ giải ngân đầu tư công so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Đến ngày 16/1/2024, toàn tỉnh đã đạt 121%. Sự tăng tốc này sẽ được duy trì, thậm chí cao hơn nữa trong những tháng đầu năm 2024. Hải Dương đã chọn yếu tố con người, làm giải pháp giản đơn nhất để tăng tốc ngoạn mục trong đầu tư công”, ông Lưu Văn Bản khẳng định.
Công tác giải phóng mặt bằng đạt kỷ lụcGiám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Hải Dương Nguyễn Hoài Long thông tin: Điểm nghẽn lớn nhất cản trở tiến độ triển khai dự án đầu tư công là giải phóng mặt bằng (GPMB). Do đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Lưu Văn Bản, công tác GPMB ở Hải Dương thu được kết vượt bậc.
Theo ông Long, năm 2023, Hải Dương thực hiện được khối lượng giải phóng mặt bằng lên tới với hàng nghìn ha, đạt diện tích lớn nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Kiên chia sẻ, đầu năm 2023, dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt nối quốc lộ 37, gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc về GPMB. Khi nút thắt được tháo gỡ, công trình nhanh chóng được triển khai, về đích sớm hơn 2 tháng so với tiến độ.
Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Nguyễn Hoài Long cho biết: Sự quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo là yếu tố đầu tiên để chúng tôi vượt lên giành thứ hạng cao trong đầu tư công. Trước đây, các đơn vị gặp vướng mắc thì báo cáo các ngành liên quan, sau đó xin lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh để xin ý kiến. Hiện nay, quy trình này đã đảo ngược lại. Hàng tuần, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách đều triệu tập họp và nghe báo cáo tiến độ cũng như các vướng mắc để trực tiếp tháo gỡ. Ngành nào liên đới phải tiếp nhận và trả lời, nêu hướng giải quyết luôn tại chỗ, không cần chờ lịch hay bê hồ sơ đi qua khắp các đơn vị liên quan để báo cáo như trước”.
"Sự bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công năm qua là cơ sở để Hải Dương triển khai nhiệm vụ đầu tư công năm 2024 đạt hiệu quả thuận lợi", Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Hải Dương Nguyễn Hoài Long nhận định.