Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/2

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/2.
​Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 29/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực.
Nghị định quy định cụ thể các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực gồm:
a) Dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế;
b) Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm theo quy định của pháp luật về giao thông hàng hải và đường thủy nội địa;
d) Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, trừ trung tâm điều hành hàng không của các hãng hàng không trong nước tại cảng hàng không, sân bay;
đ) Dự án công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ gồm các khu chức năng hỗn hợp phục vụ mục đích công cộng và mục đích kinh doanh thương mại;
e) Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở;
g) Dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn cấp nước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
h) Dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, gồm: dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa, trừ dự án quy định tại điểm b, điểm g nêu trên; dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Nghị định số 23/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư: 
Đối tượng được hưởng ưu đãi và mức ưu đãi
Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu;
Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nghị định yêu cầu khi dự thầu, nhà đầu tư phải nộp các tài liệu chứng minh giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ và quyền sử dụng hợp pháp công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, pháp luật khác có liên quan để được hưởng ưu đãi quy định.
Nhà đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi được lựa chọn ký kết hợp đồng phải thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư
Nghị định cũng quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:
a) Công bố dự án đầu tư kinh doanh;
b) Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
d) Đánh giá hồ sơ dự thầu;
đ) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
e) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ: Công bố dự án đầu tư kinh doanh; chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; chuẩn bị, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn hai; đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn hai; trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 203/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 819/QĐ-TTg).
Xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Một trong các yêu cầu của Kế hoạch là phải huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.
Về các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện, trong đó với nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các tổ chức, nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch được phê duyệt.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quy hoạch, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch bảo đảm thống nhất với nội dung Quyết định phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 819/QĐ-TTg và các quy định của pháp luật có liên quan; triển khai thực hiện lưu trữ Hồ sơ quy hoạch theo quy định; cung cấp các dữ liệu quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Về nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy;
Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của cả nước, từng địa phương.
Hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được xác định tại Quyết định số 819/QĐ-TTg.
Hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu hút nguồn vốn, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch được phê duyệt.
Quy định mới về Lễ phục Quân đội 
 Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Nghị định số 22/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định về: Trang phục dự lễ của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan; Trang phục dự lễ của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan; Lễ phục của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam; Lễ phục của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam...
Về trang phục dự lễ của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan, Nghị định số 22/2024/NĐ-CP quy định mũ kê pi có đỉnh hình ô van; cúc chốt mũ của cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc Hải quân dập nổi hình Quốc huy, của cấp tá, cấp úy dập nổi hình ngôi sao năm cánh; ở giữa thành trán mũ phía trước có tán ô dê để đeo quân hiệu; phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa.
Lục quân: Đỉnh mũ kê pi có màu olive sẫm, thành mũ màu đỏ; Bộ đội Biên phòng: Đỉnh mũ màu olive sẫm, thành mũ màu xanh lá cây; Phòng không - Không quân: Đỉnh mũ màu xanh đậm, thành mũ màu xanh hòa bình; Hải quân: Đỉnh mũ màu trắng, thành mũ màu tím than.
Áo khoác: Kiểu dài tay, ve chữ V; thân trước có 04 túi chìm, nắp túi cài cúc; thân sau có sống sau xẻ dưới; vai áo có dây vai đeo cấp hiệu; phía trên tay áo bên trái gắn lô gô; phía dưới hai bên tay áo có viền bác tay (cấp tướng hình cành tùng; cấp tá, cấp úy hình bông lúa).
Quần: Kiểu quần âu dài, có 02 túi chéo, cửa quần mở suốt kéo khóa phéc-mơ-tuya. Lục quân và Bộ đội Biên phòng quần có màu olive sẫm; Phòng không-Không quân quần màu xanh đậm; Hải quân quần màu trắng.
Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, dài tay, cổ đứng, màu trắng.
Caravat: Kiểu thắt sẵn; Lục quân và Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm, Phòng không - Không quân màu xanh đậm, Hải quân màu tím than.
Dây lưng: Cốt dây bằng da; cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc Hải quân may ốp hai lớp da; cấp tá, cấp úy bằng da một mặt nhẵn; Lục quân và Bộ đội Biên phòng màu nâu, Phòng không - Không quân và Hải quân màu đen. Khóa dây lưng bằng kim loại màu vàng có dập nổi ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn.
Giày da: Cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc Hải quân kiểu giày mũi trơn, cột dây cố định; cấp tá kiểu mũi có vân ngang, cột dây cố định; cấp úy kiểu mũi có vân ngang, buộc dây. Lục quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân giày màu đen; Hải quân giày màu trắng.
Bít tất: Kiểu dệt ống; Lục quân và Bộ đội Biên phòng màu olive sẫm, Phòng không - Không quân màu xanh đậm, Hải quân màu trắng.
Về lễ phục của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam, Nghị định số 22/2024/NĐ-CP quy định mũ kê pi có đỉnh hình ô van; cúc chốt mũ của cấp tướng dập nổi hình Quốc huy, của cấp tá, cấp úy dập nổi hình ngôi sao năm cánh; ở giữa thành trán mũ phía trước có tán ô dê để đeo quân hiệu; phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa. Đỉnh mũ màu xanh tím than, thành mũ màu xanh dương.
Áo khoác dài tay, ve chữ V; thân trước có 04 túi chìm, nắp túi cài cúc; thân sau có sống sau xẻ dưới; vai áo có dây vai đeo cấp hiệu; phía trên tay áo bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển Việt Nam; phía dưới hai bên tay áo có viền bác tay (cấp tướng hình cành tùng; cấp tá, cấp úy hình bông lúa).
Quần âu dài, màu xanh tím than, có 02 túi chéo, cửa quần mở suốt kéo khóa phéc-mơ-tuya.
Áo sơ mi mặc trong kiểu áo buông, dài tay, cổ đứng, màu trắng.
Caravat: Kiểu thắt sẵn; màu xanh tím than.
Dây lưng: Cốt dây bằng da, màu đen; cấp tướng may ốp hai lớp da; cấp tá, cấp úy bằng da một mặt nhẵn. Khóa dây lưng bằng kim loại màu vàng có dập nổi ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn.
Giày da: Cấp tướng kiểu giày mũi trơn, cột dây cố định; cấp tá kiểu mũi có vân ngang, cột dây cố định; cấp úy kiểu mũi có vân ngang, buộc dây; màu đen.
Bít tất: Kiểu dệt ống, màu tím than.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/2/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thông báo nêu: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về đầu tư xây dựng hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chính phủ, các địa phương phải thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng đề ra. Thời gian qua, các đề xuất từ thực tiễn, các khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp lý đã được Quốc hội đồng thuận rất cao để tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư, tạo động lực, tạo khí thế mới trong triển khai các dự án. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng rất cố gắng, nỗ lực; các thành viên Ban Chỉ đạo rất trách nhiệm trong xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; các nhà thầu, cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trên các công trường quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết", làm việc cả thứ 7, Chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, ngành giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, tích cực:
(1) Nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài tại một số dự án như nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, CHKQT Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tập trung xử lý;
(2) Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, 03 dự án trục Đông - Tây, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, An Hữu - Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa,…; đồng thời nhiều dự án cũng đã hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Hòa Bình - Mộc Châu, Hữu Nghị - Chi Lăng, Dầu Giây - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành;
(3) Nhiều công trình, dự án cao tốc đã vượt qua các khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), vật liệu xây dựng, đại dịch COVID-19, thời tiết cực đoan để khánh thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: 09 Dự án thành phần (DATP) cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (gồm cầu Mỹ Thuận 2), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên gần 1.900 km.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực cố gắng của ngành giao thông vận tải, của các kỹ sư, công nhân, người lao động ngành giao thông vận tải đã gác lại niềm vui riêng trong mùa xuân mới để cùng chung tay xây dựng mùa xuân của đất nước, của dân tộc; biểu dương các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực để các dự án triển khai bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ trong năm qua; biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức triển khai, nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có sự thay đổi, tiến bộ vượt bậc trong triển khai các dự án; đặc biệt trân trọng cảm ơn bà con, nhân dân đã đồng thuận, hỗ trợ, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, thay đổi thói quen, tập quán, nhường đất, nơi ở vì sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: thủ tục đầu tư triển khai còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật nhất là đường điện cao thế, xây dựng các khu tái định cư, hạ tầng y tế, xã hội cho nơi tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn vật liệu xây dựng thông thường còn khó khăn, nhất là việc nghiên cứu hoàn thiện thủ tục để sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp còn chậm; việc nghiên cứu, quy hoạch các nút giao, các đô thị để khai thác các lợi thế do hạ tầng giao thông mang lại chưa được quan tâm đúng mực.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ giải ngân năm 2024 của ngành giao thông vận tải trên 422.000 tỷ đồng là rất lớn. Việc hoàn thành nhiệm vụ này góp phần quan trọng thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đất nước; tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như tạo các không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong quá trình tổ chức triển khai, các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn, giám sát…), đến từng cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động xác định rõ năm 2024 là năm tăng tốc triển khai các dự án. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan:
Thứ nhất, trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích đúng kế hoạch.
Thứ hai, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn, cán bộ, công chức, công nhân trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoàn thành đúng cam kết, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kỹ - mỹ thuật, đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Thứ ba, các công việc liên quan trong quá trình triển khai dự án được giải quyết theo tinh thần khó khăn ở đâu phải tập trung giải quyết ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ.
Thứ tư, các chủ đầu tư, các chủ thể có liên quan chủ động, phối hợp với nhau giải quyết vướng mắc về thủ tục; đề cao trách nhiệm và theo đúng thẩm quyền của mình; tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc ấy, không kéo dài.
Thứ năm, phải quan tâm đặc biệt đến công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân đã nhường đất ở cho dự án; xây dựng các khu tái định cư bảo đảm đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, theo nguyên tắc nơi ở mới có điều kiện ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ sáu, nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chủ động kiểm tra, phòng ngừa từ sớm, chống tiêu cực, không để phát sinh các vấn đề phức tạp; các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả, chống "găm hàng", "đội giá", kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những chủ mỏ, tổ chức, cá nhân "găm hàng", "đội giá", "ép giá" vật liệu đắp phục vụ thi công xây dựng.
Thứ bảy, kịp thời khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai các nhiệm vụ.
Tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" các dự án để hoàn thành đúng tiến độ
Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát tiến độ các dự án, xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua, phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành một số công trình, hạng mục công trình lớn chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30 tháng 4 năm 1975).
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sử dụng cát biển, Bộ Giao thông vận tải thông báo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường ô tô, đường cao tốc; phối hợp các địa phương triển khai thí điểm mở rộng tùy thuộc vào điều kiện thực tế và nhu cầu sử dụng cát biển trong xây dựng công trình giao thông; tiếp tục hoàn thiện nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng cát biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 88/TB-VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2023.
Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương (cơ quan chủ quản), các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" các dự án, nhất là 02 DATP đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành đúng tiến độ được giao, ngày 30 tháng 4 năm 2024; đôn đốc triển khai các DATP thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu bảo đảm đúng tiến độ hoàn thành.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu theo dõi tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm thể hiện trực quan trên các bản đồ quy hoạch, thể hiện các chỉ tiêu báo cáo, tiến độ thực hiện cũng như những vướng mắc, khó khăn; hoàn thành trong tháng 4 năm 2024.
Phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, cập nhật, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin theo dõi tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để kịp thời phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chủ quản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đặc biệt các mỏ cát biển tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội, hoàn thành trong tháng 02 năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát khả năng cung ứng cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long để phân bổ, bảo đảm đủ nguồn cung và công suất phù hợp với tiến độ các dự án trong khu vực phía Nam và khẩn trương hoàn thành Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 02 năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát để sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản… làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp. Trường hợp không cần ban hành phải có văn bản nêu rõ lý do để các bộ, cơ quan, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt; phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống định mức, nhất là định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển cho công trình giao thông.
Chỉ đạo cơ quan thường trực của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu từng khâu, từng hạng mục theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định) khẩn trương hoàn thành Báo cáo thẩm định các dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài trong tháng 2 năm 2024.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, có ý kiến về đề nghị phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo theo nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao tại văn bản số 934/VPCP-QHQT ngày 07 tháng 02 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ.
Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, cao tốc theo Nghị quyết số 106/2023/QH15, được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các đơn vị không trực thuộc Bộ chuyên ngành thực hiện các dự án do Bộ chuyên ngành làm cơ quan chủ quản, hoàn thành trong tháng 02 năm 2024.
Bộ Tài chính hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, gia hạn các khoản vay ODA của các Nhà tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; khẩn trương kiểm tra phân bổ, phê duyệt dự toán (tabmis) và giải ngân ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các dự án để thực hiện.
Bộ Công Thương thành lập Đoàn công tác của Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến các địa phương trực tiếp làm việc, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án; chỉ đạo các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, phương án di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo ACV, VEC kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa - Vũng Tàu;
Khẩn trương hoàn thiện, đề xuất cụ thể phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với các bộ liên quan trong tháng 3 năm 2024 và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án.
Giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng
Các địa phương có dự án trong Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội khẩn trương báo cáo theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2024, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Các địa phương giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân (đặc biệt các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai); phối hợp với EVN, Bộ Công Thương hoàn thành thỏa thuận, thẩm định phương án và tổ chức di dời đường điện cao thế; tập trung tối đa để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trong quý I năm 2024, đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án năm 2025.
Các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công; tham gia cùng chủ đầu tư, nhà thầu làm việc, thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, "ép giá"; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nâng giá, "ép giá", đầu cơ đất khu vực mỏ.
UBND tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp: Khẩn trương rà soát các mỏ đang khai thác, các khu vực mỏ mới trên địa bàn (đặc biệt tỉnh An Giang và Vĩnh Long), ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác bảo đảm đủ công suất để đến ngày 30 tháng 6 năm 2024 cung cấp đủ cát phục vụ thi công; chỉ đạo các cơ quan đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để có thể khai thác trước ngày 15 tháng 3 năm 2024 (riêng tỉnh An Giang chỉ đạo thực hiện ngay thủ tục xác nhận bản đăng ký với các mỏ nhà thầu đã trình để khai thác trong tháng 02 năm 2024).
UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thành, đưa dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào hoạt động, khai thác sử dụng.
UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, giải trình ý kiến của cơ quan thuộc Quốc hội và UBTV Quốc hội để sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành.
UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Hòa Bình, Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ lập thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Hòa Bình - Mộc Châu, Cao Lãnh - An Hữu để sớm khởi công.
UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư DATP 3 Vành đai 4 Hà Nội; sớm đưa dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào khai thác, sử dụng.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu theo dõi tình hình, kết quả triển khai thực các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm thể hiện trực quan trên các bản đồ quy hoạch, thể hiện các chỉ tiêu báo cáo, tiến độ thực hiện cũng như những vướng mắc.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kết nối, cập nhật, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin theo dõi tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để kịp thời phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chủ quản.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai các nội dung, công việc, tiến độ được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo giao; tập hợp các đề xuất kiến nghị của các địa phương, các chủ đầu tư, các nhà thầu báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách để phân công các bộ, ngành liên quan giải quyết.
Phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 
 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024 phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).
Đề án đặt mục tiêu chung là phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2,0 lần vào năm 2050; giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được sản xuất dưới tán rừng chiếm tỷ trọng từ 10 -15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.
Phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm
Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.
Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10% đến 15% so với năm 2020; xây dựng được Kế hoạch hành động bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam.
Thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2050 tăng gấp 2,0 lần so với mức thu nhập tại thời điểm năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Đa dạng hóa, mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng
Về phát triển dịch vụ môi trường rừng: Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh.
Nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về áp dụng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng mang lại, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường quản lý, hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với cộng đồng người dân địa phương.
Hỗ trợ các chủ rừng tự tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
Về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí: Hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; đánh giá tác động, có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với công tác quản lý rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu việc thúc đẩy, hỗ trợ các chủ rừng thực hiện phương thức tự tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định.
Tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng địa phương, khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa, đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương.
Phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc, người dân miền núi và người dân sống trong và gần rừng.
Phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024
 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024.
Theo quyết định, Danh mục gồm có 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2024; trong đó có: Nhóm Thủ tục Đăng ký thành lập hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; nhóm thủ tục cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn; thanh toán trực tuyến viện phí cho người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhóm thủ tục Đăng ký thành lập hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã và đăng ký thuế; nhóm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu/bổ sung/tạm vắng/chuyển đi, chuyển đến khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; nhóm thủ tục Kê khai, thẩm định tờ khai và nộp trực tuyến phí bảo vệ môi trường đối với nước thải...
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ.
Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định thực hiện liên thông điện tử đối với các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông; công bố, công khai thủ tục hành chính liên thông theo quy định; xây dựng hoặc hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Danh mục phê duyệt.
Ngoài các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm; xây dựng, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mới trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ưu tiên các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, lồng ghép trong báo cáo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; giám sát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ, không đạt mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 204/QĐ-TTg phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đảm nhận chức danh Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Quyết định này thay thế Điều 1 Quyết định 1231/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam./.