6 tháng đầu năm 2024, công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, triển khai có hiệu quả các hoạt động, chính sách an sinh xã hội; 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước tăng 10% đứng thứ 7 cả nước, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng; tư vấn việc làm, tư vấn học nghề và tư vấn pháp luật lao động cho 14.630 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 3.441 người; trợ giúp pháp lý 260 vụ; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội. Tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm. Công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có nhiều đổi mới, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác nhân quyền có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, nhất là liên quan đến tôn giáo, quyền của người lao động có việc còn vướng mắc.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó viện trưởng, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo tại Hội nghị
Qua Hội nghị tập huấn các báo cáo viên đã cung cấp nhiều thông tin về vấn đề quyền con người và các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ khẳng định việc đảm bảo quyền con người là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, gắn liền với cấp cơ sở do đó cần sự chung tay, phối hợp của các sở, ban, ngành và hệ thống chính trị cấp cơ sở. Thời gian tới Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh cần chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người đặc biệt tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Đại tá Lê Đức Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Thời gian tới các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo đảm quyền của người lao động... nhằm chống phá Việt Nam. Chính vì vậy, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hoá hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền của người dân, đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền...