Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Di dời người, tài sản và công tác hậu cần để thực hiện ứng phó lũ, lụt sau Bão số 03

Ngày 12/9, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc di dời người, tài sản và công tác hậu cần liên
quan đến di dân để thực hiện ứng phó mưa lũ sau Bão số 03

​UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai di dời người, tài sản và công tác hậu cần liên quan đến di dân tại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (bao gồm các khu vực đã ngập, lụt ngoài đê; các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện lũ, lụt do mực nước lên cao tại các sông lớn) để thực hiện ứng phó lũ, lụt sau Bão số 03 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xuất hiện lũ, lụt sau Bão số 03. 

Về việc di dời người, tài sản: UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức di dời ngay, bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao theo hướng từ khu vực địa hình thấp lên địa hình cao, từ nhà ở vị trí thấp lên nhà (kiên cố, đảm bảo an toàn) ở vị trí cao; trong đó, di dời trước các đối tượng người yếu thế (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...) theo phương án: người thân đón người thân ​trên cùng 01 địa bàn, người thân đón người thân sang địa bàn khác và số lượng còn lại được di dời về nơi sơ tán tập trung của các huyện, thị xã, thành phố bố trí (UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí chỗ ăn, nghỉ cho người dân tại nơi sơ tán tập trung trong thời gian lũ, lụt). Kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân). Xem xét phương án, đối với mỗi hộ gia đình để 01 người (tuổi trẻ, sức khỏe tốt...) ở lại tham gia hỗ trợ các công việc có liên quan đến ứng phó lũ, lụt. 

Tùy tình hình thực tế tại địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các phương án di dời do các huyện, thị xã, thành phố xây dựng; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. 

Đối với công tác hậu cần: UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đầu mối từ thôn, xã, phường, huyện, thị xã, thành phố, rà soát số lượng người cần hỗ trợ tại các vùng lũ lụt (nếu có); phối hợp với Sở Công Thương để tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước uống hỗ trợ của Tỉnh cho người dân tại vùng lũ, lụt. 

Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với lực lượng quân đội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp chuẩn bị phương án đáp ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống và các điều kiện thiết yếu khác trong tình huống có lũ, lụt để đảm bảo đời sống của người dân. 

 Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Công Thương để hỗ trợ đủ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cơ sở cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp khi có đề nghị của Sở Công Thương. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, lực lượng quân đội, các đơn vị liên quan đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm đủ đáp ứng đời sống người dân do phải di dời và trong vùng lũ, lụt. 

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân đảm bảo an toàn. 

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án về việc bảo vệ môi trường khi xuất hiện lũ, lụt và sau lũ, lụt (có gắn với hoạt động sản xuất).

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho việc hỗ trợ công tác di dân, hậu cần trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật.​​