Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hệ thống mạng lưới trường, lớp các cấp học của tỉnh có xu hướng tăng dần theo các năm

Căn cứ thực trạng mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2010-2020 và dự báo quy mô dân số trong độ tuổi đến trường đến năm 2030 của Hải Dương, giai đoạn 2021-2030, hệ thống mạng lưới trường, lớp các cấp học mầm non, phổ thông của tỉnh có xu hướng tăng dần theo các năm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ở các vùng nông thôn, đô thị, khu công nghiệp của tỉnh.

​​

Đến năm học 2030 - 2031, toàn tỉnh có 336 trường mầm non, 262 trường tiểu học, 265 trường trung học cơ sở, 59 trường trung học phổ thông. Đối với giáo dục thường xuyên, duy trì 265 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã/phường, 13 cơ sở giáo dục thường xuyên (trong đó 01 trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ-tin học cấp tỉnh và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện), thành lập 01 trường chuyên biệt công lập đối với trẻ khuyết tật do tỉnh quản lý tại thành phố Hải Dương với diện tích 02 ha, quy mô khoảng 100 học sinh.


HĐND tỉnh Hải Dương mới ban hành 2 nghị quyết điều chỉnh chủ trương, tăng mức đầu tư cho Trường THPT Bình Giang và xây dựng, cải tạo 11 trường THPT trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hơn 309 tỷ đồng

Dự báo về mạng lưới các trường mầm non, phổ thông trên địa bản tỉnh theo các giai đoạn cụ thể như sau:

Giai đoạn 2021-2025 (tính đến năm học 2025-2026):

+ Mầm non: dự báo có 5.084 lớp, tăng 218 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 322 trường, tăng thêm 13 trường so với năm học 2019-2020.

+ Tiểu học: dự báo có 5.570 lớp, tăng 107 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 255 trường, tăng thêm 04 trường so với năm học 2019-2020.

+ Trung học cơ sở: dự báo có 3.101 lớp, tăng 129 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 263 trường, tăng thêm 04 trường so với năm học 2019-2020.

+ Trung học phổ thông: dự báo có 1.321 lớp, tăng 66 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 57 trường, tăng thêm 03 trường so với năm học 2019-2020.

Giai đoạn 2026-2030 (tính đến năm học 2030-2031):

+ Mầm non: dự báo có 5.365 lớp, tăng 499 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 336 trường, tăng thêm 27 trường so với năm học 2019-2020..

+ Tiểu học: dự báo có 5.775 lớp, tăng 312 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 262, tăng thêm 11 trường so với năm học 2019-2020.

+ Trung học cơ sở: dự báo có 3192 lớp, tăng 220 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 265 trường, tăng thêm 06 trường so với năm học 2019-2020.

+ Trung học phổ thông: dự báo có 1.369 lớp, tăng 114 lớp so với năm học 2019-2020; dự báo có 59 trường, tăng thêm 05 trường so với năm học 2019-2020.


Nhiều địa phương có nhu cầu xây dựng thêm phòng học do xu hướng số học sinh ngày càng tăng

Đối với mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và đại học, số lượng các cơ sở tiếp tục ổn định. Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh có 04 trường trung cấp chuyên nghiệp (tăng 01 trường so với năm học 2020-2021), 04 trường đại học trong đó có 03 trường công lập và 01 trường tư thục, 08 trường cao đẳng do sáp nhập trường Cao đẳng Hải Dương vào trường Đại học Hải Dương. Việc sáp nhập này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đảm bảo nguồn lực và tính hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học của tỉnh), đồng thời cần đảm bảo phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho trường Đại học Hải Dương và Đại học Sao Đỏ; Tiếp tục duy trì trường Đại học Thành Đông (Trong đó, điều chỉnh diện tích trường đại học Thành Đông từ 17,06ha xuống khoảng 12,5 ha, phần diện tích đất còn lại khoảng 4,56 ha quy hoạch sử dụng vào mục đích giáo dục).

Đối với các huyện/thành phố, số lượng trường mầm non và phổ thông dự kiến sẽ được thành lập được thể hiện cụ thể tại Bảng 9 dưới đây. Trong đó:

Giai đoạn 2021-2025 dự kiến thành lập 22 trường, cụ thể:

Mầm non thành lập 13 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Kinh Môn, Kinh Thành, 02 trường tại mỗi huyện/thành phố là Chí Linh, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Ninh Giang và Thanh Miện;

Tiểu học thành lập 04 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Cẩm Giàng, Gia Lộc và Tứ Kỳ;

Trung học cơ sở thành lập 04 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Chí Linh, Cẩm Giàng và Gia Lộc;

Trung học phổ thông thành lập 03 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Thanh Hà và Gia Lộc.

Giai đoạn 2026-2030 dự kiến thành lập 25 trường, cụ thể:

Mầm non thành lập 15 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc Ninh Giang và Thanh Miện; 02 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Kinh Môn và Tứ Kỳ;

Tiểu học thành lập 06 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ và Thanh Miện;

Trung học cơ sở thành lập 02 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Hải Dương và Nam Sách;

Trung học phổ thông thành lập 02 trường, trong đó: 01 trường tại mỗi huyện/thành phố là Chí Linh và Cẩm Giàng.

Bảng 108: Dự báo số trường mầm non, phổ thông thành lập mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2030

TT
Huyện/Thành phố
​​​Năm họ​c 2025-2026
​​ ​ ​ ​
​​Năm học 2030-2031 ​ ​
Mầm nonTiểu họcTHCSTHPTMầm nonTiểu họcTHCSTHPT
1Hải Dương11113221
2Chí Linh20103111
3Nam Sách00001010
4Kinh Môn10002100
5Kim Thành10002100
6Thanh Hà20013001
7Cẩm Giàng21103211
8Bình Giang00001000
9Gia Lộc01111111
10Tứ Kỳ01002200
11Ninh Giang20003000
12Thanh Miện20003100
Cộng tỉnh13443271165


Trường THCS & THPT Marie Curie II chuẩn bị khởi công tại khu đô thị phía Tây tỉnh Hải Dương

Căn cứ vào dự báo quy mô học sinh, trường, lớp theo từng bậc học giai đoạn 2021-2030, dựa trên định mức diện tích khu đất xây dựng cho từng loại hình trường được quy định theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 (m2/học sinh), dự báo nhu cầu về diện tích đất cần mở rộng cho việc xây dựng phòng học, phòng bộ môn và chức năng, sân chơi bãi tập và các hạng mục phụ trợ khác cho từng cấp học của tỉnh Hải Dương. Việc tính toán đảm bảo nguyên tắc: Đối với các cơ sở giáo dục mới thành lập trong thời kỳ quy hoạch cần được bố trí đủ quỹ đất theo quy định về diện tích đất/học sinh, đất xây dựng các khu phòng học, phòng chức năng; Đối với các cơ sở giáo dục còn thiếu, cần quy hoạch, bố trí đảm bảo đủ diện tích cần thiết. Tổng diện tích đất cần bổ sung trong giai đoạn 2021-2030 để thành lập mới các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông theo định mức trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 3.105.887,8 m2. Cụ thể:

Cấp học Diện tích đất cần bổ sung theo định mức học sinh (m2)
Mầm non1.200.560,2
Tiểu học822.960,2
Trung học cơ sở672.663,6
Trug học phổ thông409.703,7
Tổng3.105.887,8

Giải pháp thực hiện

Các giải pháp về cơ chế chính sách

Xây dựng các cơ chế, chính sách các mô hình xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia đầu tư vào giáo dục của toàn xã hội, giúp đa dạng hóa các loại hình giáo dục để tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục có chất lượng và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước; tạo các cơ chế chính sách nhằm tạo sự bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục về đầu tư phát triển, chính sách hỗ trợ người học, người dạy; chính sách phát triển giáo dục và đào tạo ở các địa phương khó khăn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tập trung dân cư

Tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập với mô hình đơn vị tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và thí điểm chuyển đổi một số cơ sở giáo dục phổ thông sang tự chủ.

Đổi mới mô hình phát triển các trường tư thục theo hướng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập và điều kiện của người dân.

Nghiên cứu ban hành chính sách thu hút hỗ trợ người học nghề đối với lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh (trọng điểm là nhân lực trong dịch vụ ngành du lịch, thương mại, các khu công nghiệp...).

Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chủ động nghiên cứu và áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến của khu vực và thế giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.


Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Hải Dương đã được xây dựng chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025​

Các giải pháp về nguồn lực và tài chính

Đảm bảo quỹ đất theo quy định để xây dựng mới, mở rộng khuôn viên trường học đảm bảo đủ diện tích theo quy định; tiếp tục đầu tư để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với đạt chuẩn về chất lượng giáo dục và đạt các tiêu chí trường học.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội.

Cơ cấu lại nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục theo hướng tập trung cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ dạy và học; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với nhà nước người dân và toàn xã hội, nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu chi thường xuyên hợp lý, đáp ứng đủ kinh phí cho hoạt động chuyên môn cần thiết.

Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư của Trung Ương qua các chương trình mục tiêu, vốn ngân sách Trung ương, các dự án vay vốn quốc tế, liên doanh nước ngoài, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đầu tư để tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác giáo dục và đào tạo nhân lực của tỉnh. Bảo đảm ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo theo kế hoạch của Trung ương, địa phương, bao gồm cả kế hoạch thực hiện các đề án phát triển giáo dục và đào tạo đã được tỉnh phê duyệt.


Mục tiêu chung của ngành giáo dục theo Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Các giải pháp về phát triển mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học

Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô phát triển dân số (phát triển tự nhiên, cơ học) và định hướng phát triển không gian của tỉnh đến 2030 và tầm nhìn đến 2050, các khu vực địa lý, vùng miền khác nhau trên địa bàn tỉnh; phát triển mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và đảm bảo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu của người học và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển hệ thống trường, lớp đạt trường chuẩn quốc gia theo hướng chất lượng cao và tiếp cận cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, phát huy tốt công năng và sử dụng hiệu quả thiết bị. Trang bị các thiết bị phục vụ đổi mới, phương pháp dạy học nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội trong hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.

Tập trung xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học, cao đẳng của tỉnh có nghề trọng điểm theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa làm nòng cốt về chất lượng của hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp và từng bước tiếp cận với trình độ đào tạo tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các nội dung, chương trình, mô hình giáo dục hiện đại phù hợp với nhu cầu cá nhân và yêu cầu phát triển của xã hội.

Khuyến khích các nhà đầu tư mở trường tư thục tại các khu đô thị, khu công nghiệp theo hướng chất lượng, đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập gắn liền với phát triển kinh tế- xã hội. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục: Trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm tư vấn du học; trung tâm giáo dục kỹ năng sống, …ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Đa dạng hoá hình thức tổ chức giáo dục đại học và nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu được học tập. Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn.