Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hải Dương xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản

Chiều 9/5, tại Hội trường UBND huyện Thanh Hà, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản của Hải Dương với hệ thống Thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, với gần 50 điểm cầu trong và ngoài nước tham gia.
​Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa của Hải Dương trong thời điểm chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều của tỉnh; góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về quả vải thiều - đặc sản nổi tiếng của Hải Dương đã được tạo dựng và phát triển qua hàng trăm năm, cùng các nông sản tiêu biểu của tỉnh đến với đông đảo khách hàng, đối tác trong và ngoài nước.​

Đồng chí Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương phát biểu khai mạc hội nghị

Vải thiều là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của Hải Dương được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. ​ Tỉnh hiện có 8.850 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều gồm 1.950 ha vải sớm. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay, sản lượng vải của huyện ước khoảng 20.000-22.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia... Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh, thành phố bình quân hằng năm khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn. Hiện nay, vải sớm của Thanh Hà đang được bán với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg. Dự kiến giá thu mua xuất khẩu sẽ tăng cao.​

Đến nay, Hải Dương đã có 52 vùng vải được chứng nhận sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP; trong đó, có 41 vùng VietGAP với tổng diện tích 110 ha, riêng huyện Thanh Hà có 37 vùng. Toàn tỉnh hiện có 198 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; trong đó, Thanh Hà có 167 mã số vùng trồng.

Toàn cản hội nghị 

Tại hội nghị, thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình thị trường, xu thế tiêu dùng của nước sở tại, các quy định, tiêu chuẩn về nhập khẩu vải thiều và nông sản. Đại diện các Thương vụ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng ở từng thị trường. Tìm các giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh so với các nước khác.​ Ngoài việc xuất khẩu quả vải tươi, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, chú trọng đến việc chế biến sâu sản phẩm từ quả vải để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để chuẩn bị đầy đủ về các thủ tục hải quan, bảo đảm các điều kiện khi xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đề nghị Hải Dương tiếp tục phối hợp và hỗ trợ trong việc đón chuyên gia sang giám sát vùng trồng để việc xuất khẩu thuận lợi hơn, dự kiến năm nay sẽ đưa vải vào thị trường Canada. Đồng thời mong muốn các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật và cung cấp tình hình thông quan hàng hoá xuất khẩu; đánh giá thị trường, thị hiếu, các điều chỉnh, thay đổi về chính sách nhập khẩu của nước sở tại. Từ đó đưa ra các khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp tại Hải Dương có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu vải thiều và các mặt hàng nông sản của Hải Dương ổn định, lâu dài...​.​
 
Các doanh nghiệp ký kết giao thương với tổ sản xuất, hợp tác xã của huyện Thanh Hà

Cũng tại hội nghị này đã diễn ra ký kết giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu vải thiều và nông sản Hải Dương.