Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Tại điểm cầu tỉnh Hải Dương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Văn Đoàn chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành, cơ quan, đơn vị tỉnh.
Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5% so với năm 2023; vận chuyển hành khách ước đạt 4,7 tỷ lượt, tăng 11,2% so với năm 2023. Về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đến nay đã xử lý 15 điểm đen, 11 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, 160 vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong năm 2024, toàn quốc xảy ra 23.837 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người. So với năm 2023, tăng 855 vụ (3,72%), giảm 889 người chết (-7,48%), tăng 1.578 người bị thương (9,78%).
Bên cạnh đó ngành GTVT còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; việc đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ trong quá trình quản lý, khai thác; một số văn bản trình chậm so với tiến độ hoặc phải điều chỉnh tiến độ xây dựng so với Chương trình; công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập, chưa ứng dụng triệt để, hiệu quả công nghệ thông tin; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương; tai nạn giao thông còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai lũ lụt diễn biến bất thường đã làm hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông (ước tính tổn thất kết cấu hạ tầng đường sắt khoảng 250 tỷ đồng, đường bộ khoảng 2.800 tỷ đồng…).
Năm 2025, Bộ GTVT xác định tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm tiến độ và chất lượng; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp với khối lượng hàng hóa tăng khoảng 9%, hành khách tăng khoảng 8%, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 9%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 10% so với năm 2024. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao dự toán. Phấn đấu khởi công 19 dự án, hoàn thành 50 dự án; trong đó hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án đường bộ cao tốc để đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hải Dương
Tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp ngành GTVT đã báo cáo thực trạng, thông tin về những kết quả đạt được và khó khăn, thách thức, vướng mắc, hạn chế cần giải quyết, tháo gỡ, xử lý và đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan đến: việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng các công trình; giao chỉ tiêu sử dụng đất giao thông; giải pháp thúc đẩy đường sắt đô thị; giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT; phát triển hoạt động ngành GTVT tại địa phương; hoạt động vận tải hàng hoá ngành hàng hải, ngành hàng không…
Năm 2024, Bộ GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Bộ đã ban hành 06 chỉ thị, 55 công điện, gần 350 thông báo kết luận và trên 13.000 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành GTVT.
Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động, quyết liệt giải quyết những vấn đề phát sinh, những tồn tại, vướng mắc kéo dài. Nhờ vậy, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 03 đến 06 tháng.
Trong năm, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án giao thông; thực hiện giải ngân được 60.200/75.481 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao, đạt 80% kế hoạch, phấn đấu hết niên độ tài chính Bộ giải ngân đạt 95% kế hoạch. Ước sản lượng vận chuyển hàng hóa đến hết năm 2024 đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023… Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bám sát chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", năm 2024, Bộ GTVT tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định, quy tắc tham gia giao thông an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Luật Đường bộ... Trong năm, toàn quốc ghi nhận 23.837 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người; tăng 855 vụ, giảm 889 người chết, tăng 1.578 người bị thương so với năm 2023.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2024 ngành GTVT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ còn chậm, chưa đảm bảo đồng bộ trong quá trình quản lý, khai thác. Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập, chưa ứng dụng triệt để, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, phương tiện và người lái; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. TNGT còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận, xã hội...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành GTVT trong năm 2024 đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính đột phá cao. Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa" tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được bảo đảm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ, làm tốt công tác sắp xếp, đổi mới bộ máy tổ chức lãnh đạo quản lý từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Tập trung rà soát, đánh giá, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh triệt để phân cấp, phân quyền cho địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tiếp tục rà soát, xử lý các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực mới cho sự phát triển. Triển khai truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các Chương trình, Kế hoạch của Bộ GTVT.
Đẩy mạnh hơn nữa và lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực, dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, bảo hành, bảo trì các công trình trọng điểm, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, để phát triển nhanh, bền vững các công trình giao thông.
Làm tốt công tác quy hoạch, phát triển ngành công nghiệp - dịch vụ vận tải góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.../.