Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.


Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Tại điểm cầu Hải Dương, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Ngày 7/9, bão số 3 (tên quốc tế Yagi) đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển phía Bắc. Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong 30 năm qua và trên đất liền nước ta trong 70 năm qua, gây ảnh hưởng nặng nề đến 26 địa phương khu vực phía Bắc và Thanh Hóa. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài liên tục đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều tỉnh ở trung du, miền núi phía Bắc, nặng nề nhất là tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

Cơn bão đã làm 344 người chết, mất tích; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập. Về nông nghiệp, có 284.472ha lúa, 61.114ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Hệ thống điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, sự cố đê điều, giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, huy động tổng lực mọi lực lượng, phương tiện, triển khai công tác ứng phó. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, họp trực tiếp và triển khai các đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lũ. Lực lượng Quân đội, Công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ; Lực lượng chức năng đã kịp thời thông tin, hướng dẫn cho trên 51.000 tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tránh trú bão.

Để khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Chính phủ đã có Nghị quyết số 143 ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục thiên tai; Đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỷ đồng; Kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các địa phương phát biểu làm rõ hơn những kết quả làm được, chưa làm được trong ứng phó với đợt bão lũ vừa qua; báo cáo công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; công tác ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, kết quả huy động lực lượng triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ… Đồng thời rút kinh nghiệm những việc chưa làm được; đề xuất giải pháp chủ động hơn nữa trước sự cố thiên tai.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần làm việc cả ngày thứ bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai. Thủ tướng nêu rõ, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của nhân dân. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các ngành, cơ quan, địa phương, các lực lượng chủ công đã trực tiếp tích cực tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Công tác dự báo, truyền thông, khắc phục hậu quả thực hiện tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Thủ tướng cũng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, tin tưởng cao vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm sau cơn bão số 3 đó là: Công tác cảnh báo, dự báo phải kịp thời chính xác, từ sớm, từ xa. Công tác lãnh, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, quyết toán, có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của nước, của dân. Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của nhân dân là trên hết, trước hết, huy động nguồn lực xã hội, nhà nước để phòng chống, khắc phục hậu quả. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ quyền hạn, chỉ đạo của các cấp để thực hiện. Coi trọng công tác tuyên truyền, truyền thông, hướng dẫn, phổ biến, chú trọng kỹ năng phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, ban hành thông báo kết luận hội nghị theo tinh thần ngắn gọn, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm.

Tại Hải Dương, từ ngày 7-9/9, bão số 3 đã đổ bộ trực tiếp vào địa bàn với cường độ gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 90-150 mm, có nơi trên 300 mm. Từ ngày 9-18/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Hải Dương có mưa lớn, lũ thượng nguồn dâng cao kết hợp hồ thuỷ điện xả lũ khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao, nhiều thời điểm vượt xa mức báo động III, duy trì nhiều ngày gây mất an toàn đê điều và công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã ban hành 17 công điện chỉ đạo, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời huy động trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân sẵng sàng ở các vị trí xung yếu. Tổ chức canh gác đê nghiêm ngặt và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm…

Mặc dù đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sẵn sàng các phương án ứng nhưng do bão số 3 quá mạnh, ở cấp siêu bão, mưa lũ sau bão rất lớn, kéo dài nhiều ngày vượt xa sức chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh gần 7.500 tỷ đồng.

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 12 người Hải Dương thiệt mạng (8 người chết trên địa bàn tỉnh, 4 người chết ở tỉnh ngoài). Thiệt hại về nhà ở khoảng 227,6 tỷ đồng, nông nghiệp gần 4.200 tỷ đồng, công nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại là thiệt hại về cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông, công trình đê điều, thuỷ lợi, văn hoá…

Sau khi bão tan, Hải Dương khẩn trương thu dọn cây xanh bị gẫy đổ, giải toả các vật cản giao thông, sửa chữa trụ sở, vệ sinh môi trường… Tỉnh đã hỗ trợ ngay 12 huyện, thành phố, thị xã mỗi đơn vị 6,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão. Tổ chức khắc phục khẩn cấp một số công trình y tế, giáo dục, giao thông, thuỷ lợi… với tổng kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.

Trong tổng số thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, kinh phí mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp tự khắc phục rất lớn. Một số nội dung về khắc phục thiệt hại thuộc nhiệm vụ chi, hỗ trợ của ngân sách nhà nước (khoảng 1.677 tỷ đồng). Sau rà soát, ngân sách địa phương có thể bố trí được 351,6 tỷ đồng, còn lại 1.326 tỷ đồng chưa cân đối được. Hải Dương đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 1.200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau bão, lũ, khôi phục sản xuất, cải tạo, nâng cấp công trình đê điều…