Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại Hội nghị
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, các Bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); Chính phủ thông qua và đề xuất xây dựng 02 Luật, ban hành 10 Nghị định. Các địa phương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Hiện nay, 63/63 địa phương đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Các cơ quan nhà nước tiếp tục tạo lập, khai thác sử dụng, vận hành các Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Các CSDL quốc gia thường xuyên được phát triển, tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu tốt, hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình như: Dữ liệu về dân cư, dữ liệu về đất đai, dữ liệu về bảo hiểm, dữ liệu về cán bộ công chức và viên chức.
Về phát triển hạ tầng số tiếp tục được tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh. Hạ tầng cáp quang với trên 1 triệu km được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước; 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Sóng di động 4G đã phủ tới 99,8% dân số tại tất cả các vùng miền của Tổ quốc và 100% các xã, phường trên cả nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc…
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); Bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Trong 06 tháng đầu năm, có hơn 13,9 triệu hồ sơ thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 7,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.620 tỷ đồng (tương đương 34,9% giao dịch, 48,6% giá trị thanh toán trực tuyến của cả năm 2023)…
Về triển khai Đề án 06, với 656 nhiệm vụ phải hoàn thành theo lộ trình, đến nay, đã hoàn thành 244 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể có 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình.
100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ trên 670 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên “đúng, đủ, sạch, sống”…
Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, tham mưu ban hành Công điện để triển khai thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới, trong đó phải chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào). Đồng thời, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Các ngành, UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.