Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ
Tại điểm cầu tỉnh Hải Dương, tham dự hội nghị có đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Sẫm cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và địa phương.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, qua 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn. Công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Tính đến ngày 23/9/2024, đã có 19.297 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó: 5.194 thủ tục của người dân, 4.723 thủ tục của doanh nghiệp; có trên 55,75 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 70,69 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì mức độ cao.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, các Toà án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Toà án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi là 4.572.105.353.780 đồng.
Trong giai đoạn 2020- 2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, báo cáo cũng nêu rõ, công tác PCTN vẫn còn có những hạn chế nhất định: tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước. Đồng chí đề nghị các bộ, ban, ngành, các địa phương nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của T.Ư; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý KT-XH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, các quy định của pháp luật chặt chẽ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.