Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội

Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tham dự tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các ngân hàng đứng chân trên địa bàn; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương 

Theo báo cáo Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính​ phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong đó, hiện nay, trên địa bàn cả nước có 501 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 419.000 căn hộ. Về triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 7 dự án nhà ở xã hội tại 6 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.252ha.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án.

Đối với Hải Dương, để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh, Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành 340 căn nhà ở xã hội, năm 2025 hoàn thành 1.650 căn, năm 2026 hoàn thành 2.000 căn, năm 2027 hoàn thành 2.190 căn và từ năm 2028- 2030 mỗi năm hoàn thành 3.000 căn. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, Nhà nước thực hiện mô hình phát triển nhà ở xã hội chủ yếu thông qua các dự án của doanh nghiệp. Nhà ở xã hội được xây dựng trên nguyên tắc nhà nước hỗ trợ để giảm giá thành xây dựng. Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm tới loại hình đầu tư này. 


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị; đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội, nhấn mạnh về nhận thức, quan điểm phát triển nhà ở xã hội.

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên tinh thần cắt giảm tối đa về thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn vay từ 10-15 năm với lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Các Bộ, ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" cũng như các nhiệm vụ mới, phát sinh trước yêu cầu thực tiễn.

Các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; đối với các dự án đã khởi công, xây dựng thường xuyên đôn đốc hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra; đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, phải khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế mỹ thuật, cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng.

Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang, nhân dân. Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triên nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Căn cứ mục tiêu của Đề án và chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024, khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra. Đối với các dự án đã khởi công, xây dựng đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn TTHC về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.