Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phiên họp UBND tỉnh tháng 4 năm 2024 (lần 5)

Sáng 22/4, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 4 (lần 5) để xem xét, giải quyết một số nội dung do các Sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và UBND TP Hải Dương báo cáo.


Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, Sở Công Thương báo cáo nội dung liên quan đến việc chấp thuận Phương án vận hành lưới điện tỉnh Hải Dương năm 2024 dự phòng khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn điện hoặc vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp. Qua nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhất trí với đề xuất của Sở Công thương và Điện lực Hải Dương. Đồng thời đề nghị Công ty Điện lực Hải Dương có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan điều hành cung ứng điện, thực hiện phương án cấp điện, tiết giảm điện phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do việc thiếu điện gây ra. Trong trường hợp hệ thống điện quốc gia xảy ra thiếu nguồn điện, căn cứ sản lượng, công suất điện được Tổng công ty điện lực miền Bắc phân bổ theo tháng, tuần, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản ứng phó, phương án điều tiết phụ tải điện theo tháng, tuần phù hợp, báo cáo Sở Công Thương để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chính thức.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án cung ứng điện năm 2024 khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn điện hoặc vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp theo quy định; tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời giải quyết.


Đồng chí Phạm Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành phát biểu tại phiên họp

Đối với nội dung tờ trình phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công thuộc Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 26 dự án nông nghiệp hỗ trợ đầu tư ở 9 huyện, thành phố, thị xã (các huyện Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện không đề xuất) với tổng chi phí gần 609 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô 1.384 ha, 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái có tổng diện tích 606 ha.

Phó Chủ tịch Thường trực Lưu Văn Bản cơ bản nhất trí với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở tổng hợp, rà soát nhu cầu của các địa phương. Đồng thời yêu cầu dự án sản xuất nông nghiệp được tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dự án không chồng lấn với các dự án khác, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Việc đầu tư phải bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh nguồn vốn thực hiện dự án là vốn hỗ trợ có mục tiêu của cấp tỉnh để triển khai kế hoạch đầu tư công cập huyện. Vì vậy, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng địa phương xây dựng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 làm căn cứ thực hiện.

Tại phiên họp, UBND thống nhất chỉ thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại đồi Đại Bộ để bảo đảm vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường hiện tỉnh có 23 khu vực có thể tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bao gồm 2 khu vực không có vướng mắc, có thể tiến hành đấu giá ngay với, 7 khu vực đủ điều kiện đấu giá nhưng trữ lượng ít, đường vào không thuận lợi, gây khó khăn cho việc khai thác, 14 khu vực chưa đủ điều kiện đấu giá ngay. Căn cứ vào quy định pháp luật và tình hình thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản tại đồi Đại Bộ và khu vực Miếu Danh, Dọc Dâu (TP Chí Linh) với trữ lượng gần 16 triệu mét khối.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu kết luận tại phiên họp

Còn khu vực Miếu Danh, Dọc Dâu sẽ để lại, cân nhắc đấu giá vào đợt sau. Nguyên nhân do khoáng sản ở khu vực này chủ yếu là sét, cao lanh…, phục vụ sản xuất. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện kế hoạch đấu giá khoáng sản đợt 1năm 2024, sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt để triển khai các bướt tiếp theo. Việc đấu giá phải được khẩn trương thực hiện để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vật liệu san lấp đang thiếu hụt.

Về tình hình, tiến độ và đề xuất kiến nghị đối với các cụm công nghiệp đã được thành lập tại khu vực đường trục Bắc - Nam (trên địa bàn các huyện Gia Lộc, Ninh Giang).Theo Sở Công thương, dọc đường trực Bắc - Nam quy hoạch 10 cụm công nghiệp, gồm 1 cụm công nghiệp ở huyện Gia Lộc có quy mô 75 ha và 9 cụm công nghiệp ở huyện Ninh Giang tổng diện tích 595 ha. Các cụm công nghiệp này đã có quyết định thành lập, lựa chọn nhà đầu tư, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật. 10 cụm công nghiệp đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì thế, không thể điều chỉnh, chuyển các cụm công nghiệp thành khu công nghiệp.

Tại phiên họp, UBND tỉnh Hải Dương thống nhất việc triển khai các cụm công nghiệp theo quy hoạch, quyết định đã phê duyệt.Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc liên quan tới việc triển khai, tập trung xử lý khoảng lưu không rộng khi ranh giới giao thông tương đối lớn. Nếu khu vực lưu không đủ điều kiện tiếp tục canh tác cần bảo đảm hệ thống thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nếu không thể canh tác xem xét giao chủ đầu tư quản lý diện tích này. Về xây dựng đường gom đường trục Bắc-Nam, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu phương án địa phương làm chủ đầu tư, còn kinh phí do nhà đầu tư các cụm công nghiệp tài trợ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và UBND các huyện Ninh Giang, Gia Lộc tiếp tục bàn giải pháp. Sau khi thống nhất phương án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.


Đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến về các khu vực được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền tại dự án Khu dân cư, khu đô thị Tân Phú ​Hưng mở rộng, thành phố Hải Dương. UBND tỉnh cơ bản nhất trí đối với đề xuất của Sở Xây dựng và ý kiến tham gia của các sở, ngành. Theo đó, thống nhất đối với các lô đất ở có mặt tiền quay ra các tuyến đường trục chính, trục cảnh quan trong đô thị của dự án chủ đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng nhà ở sau khi được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của dự án; hoàn thành xây dựng nhà ở theo thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết được phê duyệt đồng thời được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, chấp thuận công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định. Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ thiết kế nhà ở trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép xây dựng theo quy định.

Đối với các lô đất ở còn lại, chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, chấp thuận công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định. Giao Xây dựng hướng dẫn UBND thành phố Hải Dương, Chủ đầu tư dự án thực hiện theo quy định./.​