Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Toàn tỉnh có 233/235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2023, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, triển khai nghiêm túc, đảm bảo công khai minh bạch, dân chủ đúng quy định của pháp luật, thu hút và tạo sức lan tỏa rộng lớn tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
​ Việc triển khai công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần hoàn thành tiêu chí trong chương trình nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Công tác triển khai thực hiện 5 tiêu chí, 20 chỉ tiêu cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ ngay từ đầu năm. Công tác rà soát, tự đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình, đúng quy định và đúng tiến độ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp. 

Năm 2023, toàn tỉnh có 233/235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 99,1%); 02/235 xã, phường chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 0.9%); 10/12 huyện, thành phố, thị xã đạt 100% cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các xã, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là Thị trấn Kẻ Sặt thuộc huyện Bình Giang và xã Minh Hòa của Thị xã Kinh Môn.​

Thông qua việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chính quyền các cấp có điều kiện nắm bắt, xác định được khó khăn, hạn chế của thực tiễn triển khai các nhiệm vụ về giải quyết các thủ tục hành chính, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện các thiết chế dân chủ cơ sở... từ đó có biện pháp khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đồng thời có đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.