Bão số 3 năm 2024 đổ bộ vào tỉnh Hải Dương đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều công trình hạ tầng; công trình, hạng mục công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ; nhiều nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh bị hư hỏng, tốc mái, sập đổ; nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối điện bị sự cố hoặc phải cắt điện chủ động để bảo đảm an toàn cho khách hàng; hạ tầng thông tin liên lạc, hạ tầng giao thông bị đình trệ, gián đoạn…
Nội dung Trang
Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ sở và nhân dân đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để sớm khôi phục hoạt động trở lại bình thường.
Để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong thời điểm này, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo và đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, trưởng khu dân cư; người đứng dầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ hộ gia đình trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 3 năm 2024 cần chú ý thực hiện một số nội dung sau:
1. Trước khi đưa các công trình, hạng mục công trình, dây chuyền công nghệ sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông và các công trình dân dụng vào hoạt động cần chú ý:
- Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, thiết bị điện, dây chuyền công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại nhà, công trình và phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý đảm bảo đúng các yêu cầu về kỹ thuật theo quy định, đặc biệt chú ý yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện sản xuất, chiếu sáng; hệ thống thông tin liên lạc, dây chuyền công nghệ sử dụng năng lượng điện, xăng dầu, gas, chất dễ cháy, thiết bị chịu áp lực và yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện phục vụ sinh hoạt trong nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
- Khôi phục đầy đủ yêu cầu về hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn và các điều kiện an toàn PCCC và CNCH phù hợp với đặc điểm, tính chất sử dụng của công trình, hạng mục công trình, cơ sở và hoạt động sinh hoạt.
2. Trong quá trình sửa chữa, khôi phục hoạt động của công trình có sử dụng hàn cắt kim loại, vật dụng có sử dụng tia lửa điện, hồ quang điện, ngọn lửa trần và các khí dễ cháy cần chú ý:
- Tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định, đáng chú ý cần trang bị đầy đủ, đúng quy định các trang phục bảo hộ đối với người thưc hiện.
- Trước khi tiến hành hàn cắt kim loại, cần kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ khu vực xem có tồn đọng khí độc, khí dễ cháy hay không, đồng thời tiến hành thông gió để đảm bảo an toàn PCCC; vệ sinh công nghiệp sạch sẽ các khoang, thùng, két, téc trước đó có chứa chất lỏng, chất khí dễ cháy; di dời các vật liệu dễ cháy ra khu vực khác hoặc che chắn bằng vật liệu khó cháy, không cháy; thường xuyên kiểm tra tình trạng bình khí, mỏ hàn, nguồn điện và các dụng cụ có liên quan tới công việc hàn cắt trước khi sử dụng. Bố trí các phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy xách tay, cát, chăn chiên,… xung quanh khu vực hàn cắt để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố cháy, nổ.
3. Công tác phòng ngừa tai nạn, sự cố:
- Tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá xác định điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, sập đổ công trình, cây xanh, vật thể trên cao; các khu vực, mặt thủy không an toàn, nguy hiểm đuối nước để có biện pháp, phương án phòng ngừa, cảnh báo đảm bảo an toàn cho người lao động và nhân dân.
- Củng cố lực lượng, phương tiện PCCC và CNCH tại chỗ; duy trì công tác thường trực thường xuyên, sẵn sàng khả năng và năng lực xử lý theo phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC và CNCH.
4. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, chủ hộ kinh doanh chỉ được đưa cơ sở vào hoạt động nếu đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CNCH theo quy định; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo quản lý.
Rất mong Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; trưởng khu dân cư, người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và chủ hộ gia đình quan tâm thực hiện./.