Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện yêu cầu việc triển khai thực hiện phải bám sát vào định hướng, quan điểm, mục tiêu Chương trình OCOP của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương. Các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các nội dung của Đề án OCOP; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân, các chủ thể sản xuất trong thực hiện Đề án OCOP, để phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng, nâng cao chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP. Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ làm công tác quản lý chương trình OCOP của huyện và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Tổ chức đăng ký sản phẩm, lựa chọn sản phẩm của các chủ thể tham gia Đề án OCOP. Chuẩn hóa, nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, thực hiện xúc tiến thương mại đối với những sản phẩm đạt 3 sao trở lên.