Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Hải Dương, tính đến nay, toàn tỉnh có 351 sản phẩm OCOP (bao gồm 118 sản phẩm OCOP 4 sao, 231 sản phẩm OCOP 3 sao). Đặc biệt, tỉnh có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao là bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia và vải tươi Queen Thanh Ha Lychee đang đề nghị Trung ương công nhận.
Trong đó, nhóm thực phẩm có 293 sản phẩm; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu với 14 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 17 sản phẩm; đồ uống 23 sản phẩm; 4 sản phẩm thuộc dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.Năm 2023, tỉnh Hải Dương đã công nhận 135 sản phẩm. Trong đó, 117 sản phẩm công nhận mới (24 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao) và 18 sản phẩm đánh giá lại (10 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao).
Với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ củng cố và nâng cấp sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng. Trong năm 2024, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu có từ 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp khoảng 25% sản phẩm OCOP. Đồng thời, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; 25% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.
Nhằm đẩy mạnh sản lượng đầu ra, tỉnh Hải Dương tăng cường hoạt động giới thiệu để có ít nhất 30% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng OCOP, sàn giao dịch thương mại điện tử...) và định hướng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và quan tâm hỗ trợ cải tiến mẫu mã, tem, nhãn mác, hướng tới hình thành các sản phẩm thương hiệu cấp tỉnh, quốc gia.