Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, UBND tỉnh xem xét tờ trình của Sở Y tế về việc đề nghị cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Theo Sở Y tế, từ năm 2020-2023, toàn ngành y tế có 215 công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 61 bác sĩ. Trong khi số lượng bác sĩ tuyển dụng hằng năm tương đối thấp, năm 2023 chỉ tuyển được 29 bác sĩ. Số bác sĩ công tác tại tuyến xã giảm dần theo từng năm do nghỉ hưu, chuyển công tác lên tuyến trên, xin thôi việc… So với định mức tối thiểu theo quy định, Hải Dương hiện còn thiếu 388 bác sĩ. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 tỉnh phấn đấu có 19 bác sĩ/vạn dân thì số bác sĩ cần có là 3.713 người, dự kiến thiếu 1.505 bác sĩ.
Sở Y tế đánh giá nhân lực ngành y của tỉnh thiếu hụt do mức lương thấp hơn các đơn vị ngoài công lập, áp lực công việc nặng nề, cơ sở vật chất chưa bảo đảm để nhân viên y tế phát huy năng lực, chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề cao và tự chi trả... Bên cạnh đó, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực nói chung, nhân lực ngành y nói riêng chưa phù hợp, không đủ hấp dẫn đối với các lĩnh vực đặc thù của ngành y.
Theo đó, Sở Y tế đề xuất chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập gồm 3 chính sách. Đó là chính sách đào tạo, chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ và chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ làm việc tại trạm y tế cấp xã. Đồng thời đề xuất mức hỗ trợ cao nhất chi phí nghiên cứu, học tập sau khi tốt nghiệp được nhận văn bằng tiến sĩ là 100 triệu đồng/người/khoá; bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú 50 triệu đồng/người/khoá; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 30 triệu đồng/người/ khoá.
Đồng chí Trần Quang Cảnh, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại phiên họp
Đối với chính sách thu hút nhân lực, mức hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng/người với người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II về làm việc tại các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu. Chính sách đãi ngộ với bác sĩ làm ở trạm y tế dự kiến hỗ trợ hằng tháng hoặc theo ngày làm việc bằng 20% mức lương hiện hưởng nếu công tác ở xã, 15% lương hiện hưởng khi công tác tại phường, thị trấn.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Y tế và ý kiên tham gia của các đại biểu dự họp, UBND tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Y tế về việc xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực ngành y. Đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay, chính sách hỗ trợ nhân lực y tế bằng tiền chưa đủ mà phải tổng hoà với cơ sở vật chất, điều kiện, môi trường làm việc. Đây là ngành nghề đặc thù, cần phải có cơ chế hỗ trợ để đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế an tâm, gắn bó với cơ quan, đơn vị công tác. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, điều chỉnh, hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp cuối năm. Các ban HĐND tỉnh đồng hành, phối hợp với cơ quan tham mưu của UBND tỉnh trong quá trình xây dựng nghị quyết để thống nhất về quan điểm, chủ trương.
Tại phiên họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo nội đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương; đồng thời báo cáo đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 06/11/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn .
Đồng chí Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại phiên họp
Theo dự thảo Nghị quyết, nội dung quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi chưa từng được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây. Đây là nội dung lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), phân cấp, giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, thành phố quy định cụ thể.
Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố và rà soát thực tế tại khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, hiện có 510/236.750 hộ chăn nuôi (chiếm 0,21% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh). Trong đó có 469 hộ (chiếm 91,96 %) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ; có 40 hộ (chiếm 7,84%) chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và 1 hộ (chiếm 0,2%) chăn nuôi trang trại quy mô vừa. Mặt khác, tổng số gia súc, gia cầm tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi khoảng 48.000 con, chỉ chiếm 0,27% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (khoảng 17,6 triệu con), vì vậy khi Nghị quyết được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn. Thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định...
Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi, được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.
Về nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điều 7 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 1/8/2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 20/9/2024). Theo đó, đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở. Hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người. Dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 4,22 tỷ đồng.
Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhất trí với đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết này. Sở cần tiếp tục rà lại các khu vực chịu tác động của nghị quyết này, bảo đảm không bị sót lọt các hộ chăn nuôi ở khu vực không được phép. Các huyện, thị xã, thành phố cũng cần bố trí quỹ đất cho chăn nuôi tập trung, nhất là dành cho các hộ phải di dời có thể chăn nuôi tại đây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh để sớm trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến đối với 03 báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách; về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại Phí Xá, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng của Công ty CP HDC Hà Nội; đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng, TP Hải Dương của Liên danh Công ty CP Đầu tư Newland và Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS.
Qua nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh cơ bản nhất trí đối với các nội dung trong báo cáo, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại về chi phí giải phóng mặt bằng,tổng mức đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng từng dự án, lập báo cáo trình UBND tỉnh.
UBND huyện Nam Sách, Cẩm Giàng lập, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án theo quy định.