Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phiên họp UBND tỉnh tháng 4, năm 2024 (lần 1)

Chiều 2/4, UBND tỉnh tổ chức phiên họp UBND tỉnh tháng 4, năm 2024 (Lần 1) để thảo luận, giải quyết một số nội dung do các sở, ngành báo cáo. Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.


Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2030 trình HĐND tỉnh. Theo đó, Sở đề xuất 9 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Đó là hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với mức hỗ trợ dự kiến 100 triệu đồng/công trình xây mới, 50 triệu đồng/công trình cải tạo. Trong đó hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng nhà đón khách, giới thiệu, trưng bày sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phục vụ khách du lịch; 100 triệu đồng/nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; 70% kinh phí mua sắm phương tiện vận tải phục vụ du khách; 50 triệu đồng cho việc thành lập và duy trì hoạt động của đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại các địa phương để phục vụ khách du lịch; 800 triệu đồng/km đường giao thông nội bộ khu du lịch; 100 triệu đồng xây dựng bãi đỗ xe; 90% chi phí phát triển nguồn lực du lịch; 20% chi phí đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới. Các chính sách đều có điều kiện và hạn mức hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ trên được áp dụng cho Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2024-2030 của tỉnh hơn 119 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đánh giá chính sách hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết nhằm tạo ra đột phá cho lĩnh vực này. Tuy nhiên cần đánh giá thực trạng của du lịch Hải Dương để xây dựng chính sách với những tiêu chí, nguyên tắc phù hợp. Đối với nội dung này cần xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh xem xét.


Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tại phiên họp

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cũng lưu ý Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia, du khách để phân tích, đánh giá, định vị rõ nét về du lịch của tỉnh. Từ đó đưa ra định hướng phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Đối với báo cáo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Hải Dương, Sở Nội vụ báo cáo, toàn tỉnh có tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc sắp xếp trên toàn tỉnh là 57 đơn vị, gồm: 33 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 23 đơn vị có liên quan liền kề khuyến khích sắp xếp; 01 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính là xã Kim Xuyên huyện Kim Thành. Sau sắp xếp số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh có 207 đơn vị (gồm 151 xã, 46 phường, 10 thị trấn), giảm 28 đơn vị (gồm 27 xã, 01 phường). Tổng số toàn tỉnh có 38 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Trong đó: theo phương án các huyện, thị xã, thành phố đề nghị thực hiện sắp xếp 33 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp đối với 23 đơn vị liền kề liên quan (theo phương án trên). 05 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (01 đơn vị thuộc thành phố Chí Linh và 04 đơn vị thuộc thành phố Hải Dương) đề nghị không sắp xếp.


Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng phát biểu tại phiên họp

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí đối với các nội dung trong báo cáo của Sở Nội vụ. Đồng thời đề nghị, việc kiện toàn tổ chức chính quyền phải tuân thủ theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính mới phải tuân thủ quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Đối với tờ trình phê duyệt Đề án "Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương năm 2024", Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thống nhất phê duyệt đề án của Sở Nội vụ báo cáo. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Đề án. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục và sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố then chốt, quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Trong đó, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu chức danh theo vị trí việc làm, đảm bảo về chất lượng là một trong những giải pháp hết sức quan trọng và cấp thiết để đào tạo nguồn nhận lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt báo cáo tại phiên họp

Tại phiên họp Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tờ trình thành lập Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Duệ trực thuộc trường Đại học Sao Đỏ, phường Thái Học, thành phố Chí Linh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất thành lập Trường THPT Nguyễn Thị Duệ trực thuộc Trường Đại học Sao Đỏ. Trụ sở của trường tại khuôn viên cơ sở II Trường Đại học Sao Đỏ thuộc phường Thái Học (TP Chí Linh). Ngoài các chương trình giáo dục theo quy định hiện hành, Trường THPT Nguyễn Thị Duệ sẽ định hướng phát triển năng lực học sinh về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, giảng dạy một số môn năng khiếu, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, cộng đồng… Trường hoạt động theo mô hình trường THPT công lập, tự chủ về tài chính.

Qua nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thống nhất về sự cần thiết thành lập Trường THPT Nguyễn Thị Duệ để đáp ứng nhu cầu học tập tại TP Chí Linh và các địa phương lân cận. Tuy nhiên việc thành lập trường THPT trong trường đại học thuộc cơ quan Trung ương chủ quản nằm trên địa bàn địa phương cần phải bảo đảm tính pháp lý. Đồng thời,yêu cầu Sở Giáo Dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Sao Đỏ tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự phiên họp, giải trình các nội dung liên quan đến cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học… Trong đó, cần quan tâm làm rõ căn cứ pháp lý về quỹ đất sử dụng trước thuộc Trường Đại học Sao Đỏ được tách ra thành lập Trường THPT Nguyễn Thị Duệ.

Về việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thống nhất đối với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đề xuất giải pháp hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào hoàn thiện nội dung để báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo hai phương án: Phương án thứ nhất, giao Trường Đại học Hải Dương thực hiện đào tạo giáo viên mầm non theo nhu cầu của các địa phương trên địa bàn tỉnh được quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian thực hiện: từ năm học 2024 - 2025. Các năm tiếp theo: trên cơ sở đánh giá hiệu quả của việc đào tạo giáo viên mầm non để xem xét mở rộng giao nhiệm vụ (hoặc đặt hàng với cơ sở đào tạo uy tín) đào tạo giáo viên cấp học tiểu học, trung học cơ sở trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng, sử dụng của các địa phương. Phương án 2, đề xuất tạm dừng thực hiện chính sách đợi hướng dẫn của Chính phủ.


Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, Sở Xây dựng báo cáo về Phương án Quy hoạch phân khu 3A (phân khu khu vực Liên Hồng), thành phố Hải Dương. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, phân khu 3A-khu vực Liên Hồng có quy mô nghiên cứu quy hoạch hơn 880 ha, dân số dự kiến khoảng 48.500 người. Phân khu có một phần địa giới hành chính xã Liên Hồng (TP Hải Dương), phía bắc giáp sông sặt (phường Tứ Minh), phía đông giáp đại lộ Võ Nguyên Giáp (phường Thạch Khôi, các xã Liên Hồng và Gia Xuyên), phía tây giáp các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, phía nam giáp huyện Gia Lộc. Tính chất khu vực là khu đô thị mới-cửa ngõ phía tây nam TP Hải Dương phát triển các khu chức năng công cộng, thương mại dịch vụ, văn hóa thể dục thể thao, giáo dục, y tế, nhà ở và các tiện ích đô thị. Tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc khu vực này được chia làm 4 phân khu. Đó là phân khu y tế và giáo dục, phân khu sinh thái, phân khu định hướng phát triển đô thị thông minh và phân khu sông Sặt.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu quy hoạch phân khu 3A phải tuân thủ Luật Đô thị, phù hợp với các quy hoạch chung, quy hoạch ngành. Trong đó cần làm rõ hiện trạng sử dụng đất để định hướng khai thác quỹ đất hiệu quả. Các phân khu thành phần phải tạo ra điểm nhấn đặc trưng.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến đối với báo cáo của UBND thành phố Hải Dương về công tác tổ chức quản lý Dự án Phát triển các đô thị động lực - thành phố Hải Dương