Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phiên họp UBND tỉnh tháng 8, năm 2024 (Lần 1)

​Sáng 01/8, UBND tỉnh tổ chức phiên họp UBND tỉnh tháng 8, năm 2024 (Lần 1) để nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo của các sở, ngành, địa phương. Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trị phiên họp.


Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trị phiên họp

Tại phiên họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư dự án, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo, đề xuất phân bổ vốn đối với những dự án đầu tư công đủ điều kiện phân bổ trên địa bàn tỉnh (nguồn vốn ngân sách tỉnh).

Theo đề xuất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã và phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục với tổng mức đầu tư 542,6 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến phân bổ chi tiết đợt này là 340 tỷ đồng, số còn lại sẽ phân bổ khi dự án có đủ điều kiện. Vốn phân bổ 200 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 34 trụ ở công an cấp xã ở TP Hải Dương, Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện. Còn lại 140 tỷ đồng đầu tư xây dựng 26 phòng học tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cơ bản nhất trí với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất đầu tư các dự án cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, báo cáo UBND tỉnh để có phương án phân bổ chi tiết vốn đầu tư công. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý cần xây dựng danh mục dự án đầu tư công theo nhóm đầu tư, ưu tiên xây dựng trụ sở công an, phòng học thiếu, xây dựng nông thôn mới, vùng thuỷ sản tập trung… Các cấp, các ngành phải quyết liệt, khẩn trương trong thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để dự án sớm được phân bổ chi tiết vốn đầu tư công. Đây là cơ sở, nền tảng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Hải Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp

Đối với báo cáo về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện quy hoạch tỉnh cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó định hướng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư thực hiện và nguồn lực thực hiện. Danh mục các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài ngân sách ưu tiên thực hiện các dự án ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, hệ thống điện và năng lượng, giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, thông tin và truyền thông, xử lý nước thải.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, nhằm cụ thể, hiện thực hoá quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát kỹ lưỡng các dự án, công trình để cập nhật vào danh mục dự án. Các dự án đề xuất phải phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch ngành và kế hoạch sử dụng đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổng hợp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.


Đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại phiên họp

Theo báo cáo, hiện tại, trên địa bàn tỉnh tổng đàn lợn ước đạt 440.000 con. Trong đó: Lợn nái và lợn đực giống: 42.500 con; Lợn thịt: 300.700 con; Lợn con theo mẹ ước khoảng: 96.800 con; chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ chiếm khoảng 40%. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra với số tiền 977,6 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, do công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch. Trước nguy cơ phát sinh dịch là rất cao do dịch đang diễn biến phức tạp tại một số các tỉnh tiếp giáp với tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, áp dụng kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Tuyên truyền hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thực hiện tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu phi đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên tập trung tiêm phòng cho đàn lợn thịt tại khu vực khu vực có nguy cơ cao, các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại (quy mô vừa và lớn) chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), môi trường và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch bệnh; Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động giám sát tình hình dịch bệnh DTLCP, phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; khi có ổ dịch phát sinh thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo quy định. Hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.


Đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp

Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP; phối hợp với các địa phương, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. 6 - Tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam (VAHIS); xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.  Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh DTLCP.

Cũng tại phiên họp tháng 8, UBND tỉnh cũng  xem xét, giải quyết đề xuất của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Kinh Môn báo cáo về kết quả xác định giá trị các công trình đã xây dựng tại Dự án Chợ dân sinh và trung tâm thương mại An Lưu, thị xã Kinh Môn; Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc thẩm định dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại 04 bệnh viện tuyến tỉnh....