Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các nội dung gồm: Tờ trình về việc trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Báo cáo kết quả rà soát, phân loại các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng và đất có nguồn gốc lâm, nông trường; đề xuất phương án xử lý các vi phạm và phương án bàn giao đất trồng cây ăn quả về UBND thành phố Chí Linh quản lý; Tiến độ, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQQ/TU, ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tang cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến, bãi ven song kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số công trình vi phạm trên đất rừng, đất có nguồn nguốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh là 424 điểm. Bao gồm 327 công trình nhà, 74 chuồng trại chăn nuôi, 23 miếu mộ. Trong đó có 84 điểm vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp và 340 điểm xây dựng trên đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án xử lý vi phạm đối chiếu với quy định tại thời điểm phát sinh vi phạm. Những vi phạm là nhà ở trên đất lâm nghiệp trước ngày 1/1/2019 có diện tích không vượt quá 200 m2 với mục đích trông nom rừng nhận khoán, có thoả thuận bằng văn bản với UBND cấp xã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, sửa chữa. Công trình nhà có diện tích hơn 200 m2, có thoả thuận với chính quyền địa phương, yêu cầu tháo dỡ phần công trình vượt diện tích. Công trình nhà ở không có thoả thuận với UBND cấp xã, vận động hộ dân tự nguyện tháo dỡ, nếu không thực hiện thì chính quyền địa phương kiên quyết xử lý cưỡng chế. Với miếu mộ, chuồng trại chăn nuôi, vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, di dời đến các điểm được quy hoạch. Các vi phạm từ ngày 1/1/2019 đến nay phải kiên quyết xử lý. Những công trình vi phạm là lán trại tạm thời trên đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường trước ngày 15/2/2017 thì tạm thời giữ nguyên hiện trạng, còn nhà ở kiên cố kiên quyết xử lý. Các công trình xây dựng sau ngày 15/2/2017, chính quyền địa phương phối hợp xử lý dứt điểm vi phạm, hoàn trả hiện trạng.
Đồng chí Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại phiên họp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị bàn giao hơn 526 ha đất trồng cây ăn quả lâu năm, ao hồ, phi nông nghiệp có nguồn gốc nông, lâm trường về UBND TP Chí Linh quản lý.
Cho ý kiến kết luận về nội dung xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất rừng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu cơ quan tham mưu, chính quyền địa phương đánh giá số lượng công trình được sử dụng với mục đích nhà ở. Từ đó, phân loại các vi phạm theo thời kỳ và loại đất để đề xuất phương án xử lý. UBND TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn xây dựng kế hoạch với phương án xử lý cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/8. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng phối hợp với 2 địa phương, hướng dẫn việc xử lý công trình nhà ở vi phạm. Trong quá trình xử lý phải căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế, không được quá máy móc, cứng nhắc. Việc xử lý công trình nhà ở vi phạm phải hoàn thành trong năm 2024 và bảo đảm không để phát sinh vi phạm mới.
UBND tỉnh cũng thống nhất phương án bàn giao diện tích đất trồng cây ăn quả đang được quản lý bởi Ban Quản lý rừng sang UBND TP Chí Linh quản lý. Đồng thời yêu cầu việc bàn giao phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến của người dân.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên họp
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TUngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh; Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 448 bến bãi. Trong đó có 124 bến bãi không phù hợp với quy hoạch, 324 bến bãi trong quy hoạch. Trong số bến bãi phù hợp với quy hoạch có 90 bến bãi đủ thủ tục pháp lý, còn lại chưa đủ thủ tục.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu việc phân loại, xử lý bến bãi vi phạm ở các địa phương phải thực hiện thống nhất theo nguyên tắc chung. Từ đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động bến bãi, bảo đảm quy định của pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các bến bãi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với những bến bãi không phù hợp với quy hoạch đang hoạt động, đủ thủ tục pháp lý. Đối với những bến bãi vi phạm được phép tồn tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, căn cứ vào thủ tục pháp lý còn thiếu để hướng dẫn chủ bến bãi bổ sung. Những bến bãi tồn tại không phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương cần kiên quyết xử lý, giải toả. Việc xử lý bến bãi vi phạm không được triển khai một chiều mà phải xem xét, cân nhắc dựa trên nhiều điều kiện, yếu tố. Có như vậy mới bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ bến bãi.
Tại phiên họp, UBND tỉnh Hải Dương xem xét tình hình thực hiện Dự án xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội-Hải Phòng trên địa bàn huyện Kim Thành.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án đường gom đường sắt Hà Nội-Hải Phòng qua huyện Kim Thành có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến gần 4 km, chia làm 5 đoạn qua các xã Tuấn Việt, Kim Xuyên, Phúc Thành, Kim Liên. Đơn vị trúng thầu dự án là liên danh Công ty TNHH: Thương mại và Xây dựng Vũ Bách, Trường Thành. Hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định, thời gian thi công là 295 ngày kể từ ngày khởi công (dự kiến khởi công ngày 6/1/2022, hoàn thành ngày 27/10/2022).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu kết luận tại phiên họp
Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án phải điều chỉnh theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Thực tế đến ngày 23/2/2024, huyện Kim Thành mới cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để triển khai di chuyển các công trình đường điện, thông tin tín hiệu đường sắt, viễn thông… Hiện nhà thầu huy động máy móc, thiết bị và nhân lực triển khai thi công đồng thời ở 5 đoạn tuyến, đang triển khai đắp nền đường và hệ thống cống thoát nước.
Kết luận nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị xem xét trách nhiệm liên quan khi để dự án chậm tiến độ. Do đây là dự án theo hợp đồng đơn giá cố định nên không được điều chỉnh giá theo kiến nghị của nhà đầu tư khi giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đôn đốc đơn vị thi công lập tiến độ triển khai xây dựng chi tiết, khẩn trương thi công và hoàn thành dự án.
Đối với báo cáo Phương án triển khai thực hiện 9 cụm công nghiệp đã được thành lập gắn với đường gom và tuyến đường trục Bắc - Nam trên địa bàn huyện Ninh Giang do Sở Xây dựng báo cáo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai thực hiện.
Cũng tại phiên họp, UBND huyện Cẩm Giàng báo cáo đề xuất không thực hiện việc chuyển đổi Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy gạch Tuynel thành khu dân cư mới của Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải.