Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, Sở Nội vụ có báo cáo đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết về Kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan hành chính, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc tỉnh năm 2025 và Nghị quyết về giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Giám đốc Sở Nội vụ Sái Thị Yến báo cáo tại phiên họp
Theo đề nghị giao biên chế của Sở Nội vụ, năm 2025, tổng số biên chế công chức trong cơ quan hành chính nhà nước: 1.792 chỉ tiêu, trong đó: 900 chỉ tiêu biên chế giao cho các sở, ban, ngành, 892 chỉ tiêu biên chế giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc tỉnh là 32.536 chỉ tiêu. 2.120 chỉ tiêu lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Các ý kiến tại phiên họp cho rằng việc đề xuất giao chỉ tiêu biên chế các năm qua của tỉnh còn nhiều bất cập. Tỉnh Hải Dương gặp phải tình trạng thiếu biên chế trầm trọng, đa phần người làm việc trong biên chế của các sở, ngành, địa phương đang phải làm việc quá công suất, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc được giao.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu ý kiến về vấn đề giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức thời gian qua
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với Tờ trình của Sở Nội vụ , đồng thời đề nghị Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo trình tỉnh tại phiên họp sắp tới. Sở Nội vụ chủ động phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tham mưu chuẩn bị sáp nhập bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Rà soát tổ chức bộ máy của các sở, ngành, địa phương đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Qua các kiến nghị trong phần thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ xây dựng dự thảo Báo cáo về thực trạng biên chế làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hải Dương. Trong đó, cần có đánh giá và so sánh với mặt bằng chung cả nước và một số tỉnh có điều kiện tương đồng, từ đó có báo cáo đề xuất với Bộ Nội vụ điều chỉnh.
Trên cơ sở kế hoạch tuyển dụng, giao biên chế các sở, ngành, địa phương, Sở Nội vụ khẩn trương triển khai tuyển dụng để giải quyết các vị trí biên chế cấp thiết trước mắt để kịp thời giải quyết công việc, trong đó có cơ chế ưu tiên cho các lao động hợp đồng có năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tại phiên họp, UBND tỉnh nhất trí với đề nghị của Sở Y tế trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Hải Dương.
Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chấp thuận thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Theo đó, đề nghị UBND tỉnh trinh HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chấp thuận thu hồi 2.491,51 ha đất để thực hiện 416 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.749,12 ha đất trồng lúa; 7,73 ha đất rừng sản xuất để thực hiện 439 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Dương Văn Xuyên báo cáo tại phiên họp
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, tiếp tục rà soát các công trình, dự án sử dụng 3 loại đất trên, đặc biệt lưu ý các công trình, dự án động lực, có tính kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo đô thị. Đồng thới, đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đã được phê duyệt.
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến đối với báo cáo dự thảo “Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương"
Theo đó, tỉnh Hải Dương dự kiến thành lập Khu kinh tế chuyên biệt thuộc địa bàn hai huyện Bình Giang và Thanh Miện với tổng diện tích khoảng 5.300 ha. Tổng mức đầu tư hơn 338.000 tỷ đồng.
Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương sẽ tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đổi mới sáng tạo không chỉ cho nội tỉnh mà còn có sự liên kết với các thành phố lân cận.
Cơ sở hạ tầng khu kinh tế chuyên biệt được phát triển đồng bộ hiện đại, kết nối thống suốt. Trong đó, khu kinh tế được tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối đặc biệt là kết nối hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay và đường sắt kết nối, giúp doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển.
UBND tỉnh xem xét, thảo luận về dự thảo “Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương"
Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương được định hướng phát triển theo hệ sinh thái bao gồm đầy đủ các khu chức năng: khu vực phi thuế quan; trung tâm logicstic, trung tâm đổi mới sáng tạo; khu vực phát triển công nghiệp (khu, cụm công nghiệp); khu đô thị (phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với đầy đủ các tiện ích về: giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại, công viên cây xanh, vui chơi giải trí...).
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của lãnh đạo và các thành viên UBND tỉnh để tiếp tục bổ sung hoàn thiện Đề án. Trong đó, cần làm rõ làm rõ về chính sách ưu đãi, sức hấp dẫn, ưu việt của Khu Kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương, làm tiền đề thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời bổ sung danh mục các nhà đầu tư chiến lược có năng lực và tiềm lực kinh tế. Đồng thời, đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu đề xuất về phương án thành lập số lượng khu, cụm công nghiệp trong khu kinh tế chuyên biệt.
Nhấn mạnh, chủ trương thành lập Khu kinh tế chuyên biệt là nhiệm vụ lớn, có tính chất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tập trung nghiên cứu, tham gia góp ý vào dự thảo đề án, theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn đề xuất các nội dung cần bổ sung, điều chỉnh để đơn vị tư vấn hoàn thiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, bổ sung, điều chỉnh dự thảo báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét.
Cũng tại phiên họp lần này, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến thống nhất với nội dung báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công: Dự án cải tạo, nâng cấp cấp bách các trạm bơm do UBND cấp huyện quản lý trên địa bàn tỉnh Hải Dươn và Dự án Đầu tư Xây dựng đường ven đê sông Luộc đoạn từ đường tỉnh 396B đến đền Khúc Thừa Dụ; báo cáo của Sở Xây dựng về Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 và Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến về Đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Thanh Miện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...