Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp
Tại phiên họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư đáp ứng điều kiện loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn xã hội hóa hoặc dự án phi lợi nhuận trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời hạn hoạt động dự án (thời hạn thuê đất) đối với các dự án phi lợi nhuận, ác dự án đầu tư xã hội hóa thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Dũng báo cáo tại phiên họp
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất quy định miễn tiền thuê đất có thời hạn đối với các dự án đầu tư xã hội hóa thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo 3 mức. Miễn tiền thuê đất 05 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư tại địa bàn các phường thuộc thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Miễn tiền thuê đất 07 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư tại địa bàn các xã thuộc thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các thị trấn thuộc các huyện còn lại. Miễn tiền thuê đất 09 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư tại địa bàn các xã thuộc các huyện còn lại.
Đối với các dự án đầu tư xã hội hóa tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đã được cơ quan thuế ban hành quyết định miễn tiền thuê đất hoặc thuộc trường hợp áp dụng điều khoản chuyển tiếp theo quy định tại Quyết định số 27/2023/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng ưu đãi theo quy định cho thời gian ưu đãi còn lại của dự án.
Qua các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và hoàn thiện dự thảo trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục xem xét.
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Xem xét, thảo luận tại phiên họp, UBND tỉnh thống nhất với nội dung báo cáo của Sở Xây dựng về điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 16 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45 %. Đến năm 2030 tỉnh Hải Dương sẽ có 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 55 %, dự kiến, phấn đấu tỉnh Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn đến năm 2050: Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65 %; xây dựng tỉnh Hải Dương hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Vũ Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo tại phiên họp
Đối với nội dung báo cáo về Chương trình phát triển đô thị thành phố Chí Linh đến năm 2040, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến của các sở, ngành và lãnh đạo tỉnh để hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét. Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Chí Linh xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển thành phố Chí Linh đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030. Thành phố Chí Linh tập trung huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện phân kỳ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên những dự án quan trọng, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; ưu tiên vốn nhà nước vào các công trình hạ tầng khung thiết yếu, quan trọng làm động lực phát triển đô thị.
Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh phát biểu ý kiến tại phiên họp
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cấp các đô thị, đặc biệt các đô thị thành lập sau năm 2030 đê có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực để tỉnh Hải Dương hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, đề xuất giải pháp chuẩn bị nguồn lực nâng cấp đô thị, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Nhấn mạnh việc phát triển đô thị tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ có tính lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình suốt quá trình triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.
Tại phiên họp, UBND tỉnh cơ bản thống nhất với đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Tứ Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ có trách nhiệm tiếp thu ý kiến để bổ sung hoàn thiện đồ án, trong đó cần cập nhật số liệu sử đụng đất trên địa bàn huyện, đảm bảo thống nhất với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất tỉnh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt báo cáo tại phiên họp
Cũng tại phiên họp lần này, UBND tỉnh xem xét tờ trình Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt mức thu học phí năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương cao nhất là 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh, thấp nhất là 695 nghìn đồng /tháng/học sinh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có 4 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên gồm: Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường Tiểu học Chu Văn An, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Duệ (trực thuộc Trường Đại học Sao Đỏ). UBND tỉnh thống nhất với mức thu đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo. Nội dung này sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.