Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phương án phát triển hạ tầng giao thông

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ, hướng tới hiện đại, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, đặc biệt các trục đường giao thông kết nối Hải Dương với tam giác phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
7.1. So do Phuong an phat trien ket cau ha tang GTVT.jpg

​Phương án phát triển mạng lưới giao thông cụ thể như sau:​

Đường bộ: Đường bộ Quốc gia thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đường Vành đai 5; Quốc lộ 5; Quốc lộ 10; Quốc lộ 17B; Quốc lộ 18; Quốc lộ 37; Quốc lộ 38; Quốc lộ 38B.  Đường bộ địa phương: Các tuyến đường tỉnh: quy hoạch các tuyến đường tỉnh đạt tối thiểu cấp IV, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị được phê duyệt. Các tuyến đường huyện: nâng cấp các tuyến đường huyện đạt tối thiểu cấp IV, đối với đoạn tuyến chưa bảo đảm quy mô tối thiểu mà không mở rộng được thì phải nghiên cứu phương án tuyến tránh và được xác định trong các quy hoạch xây dựng.  Bến, bãi đỗ xe: phát triển 23 bến xe khách và xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tại trung tâm huyện, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương, tuân thủ theo quy hoạch, đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe.

Đường sắt: Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt bảo đảm tuân thủ theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó: Nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu đối với Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.000 mm) và Tuyến đường sắt Kép - Hạ Long (khổ đường 1.435mm). Xây dựng 02 tuyến đường sắt mới trong giai đoạn đến năm 2030, gồm: Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm); Tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.435mm). Cải tạo, nâng cấp ga Cao Xá lên thành ga Quốc tế.

 Đường thủy nội địa: Đường thủy nội địa quốc gia: phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Tuyến đường thủy nội địa: (i) tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; (ii) tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình. Phát triển các cảng thủy nội địa: cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn gồm 30 cảng; cụm cảng sông Thái Bình gồm 4 cảng; cụm cảng sông Luộc gồm cảng Ninh Giang. Đường thủy nội địa địa phương: Phát triển 12 tuyến đường thủy nội địa trên tuyến sông Trung ương quản lý và 6 tuyến đường thủy nội địa trên sông địa phương quản lý. Cảng thủy nội địa khác: nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia; phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông trung ương. Các bến, cụm bến thủy nội địa: phát triển bến thuỷ nội địa trên các tuyến sông theo các cụm cảng, cụm bến thuỷ hàng hóa, hành khách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của các huyện, thị xã, thành phố.

​Cảng cạn: Thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Cảng cạn Hải Dương thuộc thành phố Hải Dương, quy mô 18ha, năng lực thông qua 130.000 - 180.000 TEU/năm. Cảng cạn Gia Lộc thuộc huyện Gia Lộc, quy mô 5-8ha, mở rộng quy mô 10ha (đến năm 2050), năng lực thông qua khoảng 50.000 - 80.000 TEU/năm.