Theo đó, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ngành và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương.
Đối với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã, cẩn khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương năm 2025. Đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn liên quan trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi nhất là đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dại,...) tại các địa phương có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng vắc xin. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh động vật thường xuyên và đột xuất khi có ổ dịch phát sinh; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, pano, áp phích về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh động vật.
Công an tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Hải Dương Phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và PTNT tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu lưu thông trên địa bàn tỉnh; gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị Y tế tuyến cơ sở phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp thực hiện công tác phòng chống bệnh truyền lây giữa người và động vật như Cúm gia cầm, Dại,…; tăng cường trao đổi thông tin khi có ổ dịch bệnh ở động vật có nguy cơ lây sang người hoặc khi ca người mắc bệnh truyền lây. - Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất,… sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị khi có ca người bị mắc bệnh truyền lây và xử lý ổ dịch theo quy định.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương Tăng cường thời lượng để đưa tin, khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện giám sát chủ động các dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và phối hợp với các địa phương xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan ra rộng, gây ảnh hưởng cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp (nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc) thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
SNN_TANG CUONG PHONG CHONG DICH BENH DONG VAT_TRUOC TRONG VA SAU TET AT TY NAM 2025.pdf