Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Thông báo Kết luận của đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh tháng 8 năm 2024 (Lần 5)

Ngày 15 tháng 8 năm 2024, đồng chí Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 8 năm 2024 (Lần 5). Trên cơ sở các nội dung đã thảo luận, thống nhất tại phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận các nội dung cụ thể như sau:
​1. Tờ trình về việc trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1.1. UBND tỉnh thống nhất với nội dung Tờ trình số 10/TTr-SNN ngày 08 tháng 8 năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án KMA1.

1.2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện Tờ trình của UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp gần nhất.

2. Kết quả rà soát, phân loại các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng và đất có nguồn gốc lâm, nông trường; đề xuất phương án xử lý các vi phạm và phương án bàn giao đất trồng cây ăn quả về UBND thành phố Chí Linh quản lý.

2.1. Về việc bàn giao toàn bộ diện tích đất trồng cây ăn quả:

a) UBND tỉnh thống nhất việc bàn giao toàn bộ diện tích đất trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường hiện do Ban Quản lý rừng quản lý về UBND thành phố Chí Linh quản lý. Thời hạn hoàn thành việc bàn giao chậm nhất ngày 31/12/2024.

Yêu cầu thực hiện bàn giao nguyên trạng và giải quyết tất cả các nội dung có liên quan (đất đai, lao động, tài chính...) theo quy định, đảm bảo ổn định tình hình, tránh để xảy ra khiếu kiện. Việc bàn giao phải được tiến hành công khai, minh bạch; phải tổ chức lấy ý kiến tham gia của người dân trước khi tiến hành.

b) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Chí Linh, các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết cụ thể để tổ chức thực hiện việc bàn giao. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.

2.2 Về việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường thực hiện như sau:

a) Tất cả các trường hợp xây nhà để ở trên đất lâm nghiệp, trồng cây ăn quả có nguồn gốc nông, lâm trường phải xử lý tháo dỡ.

- Giao UBND thành phố Chí Linh, UBND thị xã Kinh Môn rà soát, phân theo thời gian xây dựng và từng loại đất; xây dựng Kế hoạch (cụ thể chi tiết về lộ trình và các biện pháp để tháo dỡ), việc xây dựng Kế hoạch hoàn thành trước ngày 20/8/2024; thiết lập hồ sơ chặt chẽ đối với các trường hợp vi phạm; thông báo cho các hộ dân biết không được tiếp tục ở; lộ trình chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán; vận động người dân tự tháo dỡ, nếu không tự tháo dỡ, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế. Thời gian hoàn thành tháo dỡ chậm nhất ngày 31/12/2024. Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để tồn tại các công trình vi phạm là nhà để ở mà chưa tháo dỡ theo thời gian nêu trên; đồng thời không được để phát sinh vi phạm mới.

- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp UBND thành phố Chí Linh, UBND thị xã Kinh Môn trong quá trình thực hiện;

b) Các trường hợp vi phạm còn lại (miếu mộ, lán tạm, nhà tạm, chuồng trại...): Tạm thời giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, mở rộng. Sau khi xử lý xong các công trình là nhà để ở nêu trên, tiến hành xem xét, đề xuất giải pháp xử lý cụ thể các trường hợp này.

- Riêng đối với Công trình Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thị xã Kinh Môn: Giao UBND thị xã Kinh Môn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể việc xây dựng (thời gian xây dựng, công trình, diện tích xây dựng, nguồn vốn thực hiện, chủ đầu tư, đã được nghiệm thu, quyết toán chưa...); báo cáo đề xuất với UBND tỉnh phương án xử lý (tồn tại hay xử lý tháo dỡ). Báo cáo phải đề xuất rõ nguyên nhân, giải pháp thực hiện các thủ tục liên quan nếu tồn tại hoặc xử lý tháo dỡ. Xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm. Hoàn thành báo cáo, đề xuất gửi UBND tỉnh trước ngày 25 tháng 8 năm 2024 (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp).

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xử lý, tháo dỡ các trường hợp vi phạm, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.

3. Tiến độ, kết quả 6 tháng đầu năm 2024 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến, bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh

Thực hiện nội dung “Chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa bến bãi không có trong quy hoạch trước ngày 31/12/2024; từ năm 2025, 100% bến bãi hoạt động phải đảm bảo đủ thủ tục pháp lý” theo chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 29/12/2023. Để triển khai có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định tình hình, tránh để xảy ra khiếu kiện, UBND tỉnh yêu cầu việc xác định các bến bãi được tiếp tục hoạt động, chấm dứt hoạt động, giải tỏa được thực hiện như sau:

a) Nguyên tắc để xác định các bến bãi được xem xét tiếp tục hoạt động:

- Phù hợp quy hoạch sử dụng đất; phù hợp quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị hoặc quy hoạch chung cấp xã;

- Đáp ứng yêu cầu của thị trường nguyên vật liệu, cung ứng vật tư hàng hóa trong khu vực quy mô lớn;

- Cơ bản không hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư trong khu vực hoạt động; không làm hư hỏng đến hạ tầng giao thông của Nhà nước đã đầu tư (Trường hợp có nguy cơ làm hư hỏng, Nhà đầu tư phải cam kết đầu tư xây dựng sau đó sử dụng cho bến bãi và dùng chung trong khu vực hoạt động);

- Có đủ thủ tục được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; trường hợp mới chỉ có một số thủ tục được cơ quan có thẩm quyền cấp (chủ trương đầu tư, đất đai, giao thông đường thủy...), phải có cam kết thời gian hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục;

- Chủ bến bãi có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; luôn chấp hành và khắc phục các tồn tại, vi phạm đã để xảy ra trong quá trình hoạt động.

b) Bến bãi không đáp ứng được các nguyên tắc nêu trên, tùy theo hồ sơ cụ thể của từng bến bãi, xây dựng lộ trình để dừng, chấm dứt, giải tỏa, xong trước ngày 31/12/2024. Các bến bãi đã có thủ tục (về đầu tư, đất đai đang có hiệu lực pháp lý...) nhưng không phù hợp với nguyên tắc trên, UBND cấp huyện lập báo cáo đề xuất trình UBND tỉnh xem xét cho hoàn thiện thủ tục hoạt động có thời hạn kết thúc phải tháo dỡ đối với từng trường hợp cụ thể.

c) Tổ chức thực hiện:

- UBND cấp huyện:

+ Tổ chức rà soát, lập danh mục các bến bãi bến bãi được tiếp tục hoạt động theo các nguyên tắc nêu trên; các bến bãi dừng, chấm dứt, giải tỏa; báo cáo cấp ủy cấp huyện thống nhất; gửi Báo cáo về UBND tỉnh (Qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp). Thời hạn hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.

+ Xây dựng Kế hoạch chi tiết cụ thể về lộ trình, tiến độ để dừng, chấm dứt hoạt động, giải tỏa các bến bãi không được tiếp tục hoạt động. Thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2024.

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh trong quản lý hoạt động bến bãi trên địa bàn.

- Các sở, ngành:

Thực hiện rà soát, tổng hợp nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện hoàn thiện thủ tục pháp lý về hoạt động bến bãi đối với từng trường hợp cụ thể; phối hợp với UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện dừng, chấm dứt, giải tỏa các bến bãi.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì theo dõi, tổng hợp, đôn đốc hướng dẫn việc tổ chức thực hiện; là đầu mối tiếp nhận các khó khăn vướng mắc của các địa phương, phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết; hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực đê điều, thuỷ lợi; phối hợp với UBND cấp huyện trong việc rà soát, phân loại bến bãi; tổng hợp danh mục bến bãi sau khi rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực đầu tư đối với các bến bãi tồn tại hoạt động.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực đất đai, môi trường đối với các bến bãi tồn tại hoạt động.

+ Sở Giao thông vận tải: hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực giao thông đối với các bến bãi tồn tại hoạt động.

+ Sở Công Thương: hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về điều kiện kinh doanh khoáng sản đối với các bến bãi tồn tại hoạt động.

+ Cục Thuế tỉnh: hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý về thuế; Thực hiện phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm về thuế đối với các bến bãi tồn tại hoạt động.
 
+ Công an tỉnh: hướng dẫn, đôn đốc Nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục pháp lý về phòng cháy, chữa cháy. Chỉ đạo các lực lượng công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vi phạm của bến bãi, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình khắc phục vi phạm, dừng, chấm dứt, giải tỏa bến bãi.

4. Tờ trình về việc điều chỉnh nội dung Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Danh mục Dự án thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư và không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2024-2030.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để bổ sung, hoàn thiện Tờ trình; trong đó cần rà soát nhu cầu đầu tư của toàn bộ các ngành, lĩnh vực (văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, thương mại, dịch vụ...); chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn và đôn đốc hoàn thiện Danh mục các Dự án sử dụng đất thông qua đấu thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 126 Luật Đất đai 2014; báo cáo lại UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.

5. Báo cáo kết quả rà soát Dự án Xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, huyện Kim Thành theo nhiệm vụ được Lãnh đạo UBND tỉnh giao tại Văn bản số 689/VPKTN, ngày 06/8/2024

5.1. UBND tỉnh thống nhất với nội dung Báo cáo số 1559/BC-BQLDA ngày 08/8/2024 của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh về kết quả rà soát Dự án Xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, huyện KimThành theo nhiệm vụ được Lãnh đạo UBND tỉnh giao tại Văn bản số 689/VP-KTN, ngày 06/8/2024 và thống nhất với nội dung đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh không thi công đoạn tuyến số 3 từ Km0 - Km0+228 (đoạn tuyến này sẽ được thực hiện đầu tư tại Dự án đầu tư xây dựng nút giao lập thể với Quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành).

5.2. Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

6. Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng; đề xuất hướng giải quyết việc thi công 02 công trình phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương

6.1. UBND tỉnh chưa thống nhất với nội dung Báo cáo số 847/BC-TTr, ngày 06/8/2024 của Thanh tra tỉnh về Kết quả kiểm tra, rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục đầu tư, thi công xây dựng; đề xuất hướng giải quyết việc thi công 02 công trình phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương.

6.2. Giao Thanh tra tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp; phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện lại Báo cáo.

7. Phương án triển khai thực hiện 09 Cụm công nghiệp đã được thành lập gắn với đường gom và tuyến đường trục Bắc - Nam trên địa bàn huyện Ninh Giang

7.1. UBND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo số 195/BC-SXD, ngày 15/8/2024 của Sở Xây dựng về việc rà soát vướng mắc và dự kiến phương án điều chỉnh quy hoạch đường trục Bắc Nam tỉnh (đoạn trùng VĐ5) trên địa bàn huyện Ninh Giang; trong đó, dự kiến điều chỉnh quy hoạch đường trục Bắc - Nam theo phương án 02 với tổng chiều rộng 95m.

7.2. UBND tỉnh giao:

a) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp hoàn thiện nội dung báo cáo; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

b) UBND huyện Ninh Giang, UBND huyện Gia Lộc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Tổng công ty điện lực miền Bắc và các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, cập nhật các nội dung có liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch đường trục Bắc Nam tỉnh (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan) để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.

8. Về đề xuất không thực hiện việc chuyển đổi Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy gạch Tuynel thành khu dân cư mới của Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải UBND tỉnh giao:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng, Nhà đầu tư và các sở, ngành và đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất vật liệu xây dựng Hà Hải để việc tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cơ quan Nhà nước; cơ sở, lý do đề xuất không chuyển đổi Dự án thành Khu dân cư; hiệu quả về kinh tế xã hội cho nhà đầu tư, người dân và cho Nhà nước…);

b) Sở Xây dựng rà soát, đánh giá toàn bộ quy trình, thủ tục liên quan đến việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 (Khu dân cư…); đề xuất phương án xử lý, giải quyết đối với các nội dung chưa đúng với quy định.

c) Sở Công thương đánh giá về đề xuất của Nhà đầu tư, hiệu quả của Dự án liên quan đến hoạt động của Ga Cao Xá.

d) Sở Giao thông rà soát, báo cáo đánh giá việc kết nối giao thông đường 194B với đường sắt; hiệu quả của Dự án gắn với Ga Cao Xá.

e) UBND huyện Cẩm Giàng báo cáo đánh giá toàn diện, tổng thể về Dự án (thực trạng quá trình triển khai, thực hiện; những bất cập, tồn tại; khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị…), về nội dung đề xuất của Nhà đầu tư, cơ sở đề xuất không chuyển đổi Dự án thành Khu dân cư; việc bố trí, sắp xếp Chương trình, Kế hoạch Nhà ở của huyện khi chuyển từ đất ở sang đất sản xuất, kinh doanh.

f) Các sở, ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu, cho ý kiến cụ thể bằng văn bản vào Báo cáo; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28 tháng 8 năm 2024.

(sua) 15_8_2024_TBhop UBND tinh thang 8 lan 5.pdf