Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết nối trực tuyến tới điểm cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và điểm cầu 26 tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ưởng Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Trước khi bắt đầu, Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão, lũ gây ra.
Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng vào ngày 7/9, với cường độ cấp 12, giật cấp 13; thời gian lưu bão trên đất liền nước ta kéo dài 12 giờ đồng hồ gây ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc.
Tính đến hết ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu cơn bão đã làm 348 người chết và mất tích; hơn 1.900 người bị thương; gây thiệt hại trên 190 nghìn ha lúa; 31,7 nghìn ha cây ăn quả; trên 48,7 nghìn ha hoa màu; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 21,7 nghìn con gia súc và 2,62 triệu con gia cầm bị chết…
Cùng với đó, lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm mực nước trên các con sông dâng cao làm nhiều tỉnh, thành phố bị ngập úng; gây 305 sự cố đê điều, trong đó, một sự cố vỡ đê tại Tuyên Quang, 54 sự cố tràn trên, cùng nhiều sự cố khác về hệ thống đê
Tại Hải Dương, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh với cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 90-150 mm, có nơi trên 300 mm. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên rất nhanh, một số tuyến sông vượt xa mức báo động III và duy trì nhiều ngày gây áp lực, nguy cơ mất an toàn hệ thống công trình đê điều và thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay bão số 3 và mưa lũ sau báo đã làm khoảng 7.755 ha lúa, 3.202 ha rau màu, 4.372 ha cây ăn quả bị ngập úng, dập nát hoặc gãy đổ; 4.000 con gia súc, gia cầm bị chết, 569 ha nuôi thuỷ sản, 434 lồng cá trên sông bị tràn, trôi lồng. Gần 21.000 công trình (nhà ở, kho tàng, nhà xưởng, trụ sở, trường học, biển quảng cáo, biển hiệu…) bị hư hỏng, tốc mái, đổ; 102.000 cây xanh, 1.798 cột điện, 9 trạm BTS bị gãy đổ… Mưa lũ làm xuất hiện nhiều sự cố đê điều, thuỷ lợi.
Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão; thảo luận các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, lũ; khôi phục sản xuất, kinh doanh… Trong đó, tập trung vào việc khắc phục các sự cố về đê điều; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, xử lý môi trường, khôi phục sản xuất sau bão, lũ…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phối hợp với các địa phương tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, cũng như ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống bão, lũ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thời tiết để đưa ra các cảnh báo, giải pháp kịp thời, hiệu quả. Các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống mưa, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động cả hệ thống chính trị trong việc ứng phó với bão, lũ; huy động sức dân trong công tác ứng phó với bão, lũ… Các tỉnh, thành phố tập trung tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở. Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình hạ tầng; khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, hồ chứa, công trình hạ tầng bị hư hỏng; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, trường hợp vượt quá khả năng, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới…