Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”

Chiều 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Đồng chí Trần Lưu Quang- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.

​​​


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, ngành Nông nghiệp ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu các mặt hàng nông sản lớn của thế giới. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3,83%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD.

Việc thực hiện số hoá, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp được quan tâm thực hiện trên các trụ cột với việc ứng dụng nhiều nền tảng số. Tuy nhiên, tăng trưởng mới chủ yếu theo chiều rộng như: mở rộng diện tích, tăng vụ và dựa trên các yếu tố đầu vào sản xuất truyền thống là lao động, vốn, vật tư và nguồn lực tự nhiên cao. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, với đường lối phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, việc sử dụng mạnh mẽ công nghệ số mới sẽ là những nhân tố, giải pháp tổng thể và khắc phục triệt để những hạn chế mà ngành Nông nghiệp đang phải đối diện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số hóa trong nông nghiệp cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng CNTT; dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Trong khi đó, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số; thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về Chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, các hướng dẫn, định mức, quy định về chi cho các hoạt động chuyển đổi số chưa có, hoặc chưa được giới thiệu, tập huấn, cán bộ, công chức gặp khó khăn trong công tác tham mưu, đề xuất nội dung, mức chi phù hợp với các quy định hiện hành…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, xác định rõ những điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, các vướng mắc liên quan; đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả chuyển đổi số, số hoá ngành Nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, lấy người nông dân làm trung tâm và động lực phát triển phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Xây dựng nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc triển khai công tác chuyển đổi số trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương tập trung triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính; hợp nhất, đồng bộ và phát triển hệ thống thông tin dữ liệu của ngành Nông nghiệp và PTNT; nâng cấp hạ tầng số để cơ sở dữ liệu kết nối với nhau; cập nhập liên tục, chính xác và kịp thời thông tin về ngành Nông nghiệp và PTNT.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong triển khai công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp; phản ánh các kiến nghị, vướng mắc trong triển khai công tác chuyển đổi số để được cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu ngành sao cho chuẩn xác, đầy đặn, cập nhật kịp thời, đặc biệt phải dễ hiểu, dễ ứng dụng; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số trong lĩnh vực nông nghiệp.​​