Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 (lần 2)

Ngày 5/4, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 (lần 2). Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

​​​​​​​​​​​ 

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2024 ( lần​2) ​

Xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Hải Dương năm 2023 ( DDCI)

Tại phiên họp, ​​​​Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Hải Dương năm 2023 ( DDCI). Theo đó, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh,  thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã năm 2023 nhằm thúc đẩy sự thi đua, cạnh tranh hướng tới nâng cao chất lượng điều hành kinh tế. Kết quả đánh giá DDCI là căn cứ để các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng điều hành, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bộ chỉ số DDCI của tỉnh sẽ gồm 2 bộ chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành và DDCI cấp địa phương. Các đơn vị được đánh giá DDCI dựa trên 10 chỉ số thành phần gồm:  thực hiện thủ tục hành chính, tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin, tính năng động và tiên phong của cơ quan chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hiệu lực thiết chế, tiếp cận đất đai, tăng trưởng xanh và bền vững. Riêng DDCI của các sở, ban, ngành không thực hiện đánh giá chỉ số tiếp cận đất đai. 

Qua nghe các ý kiến tham của các đại biểu tham dự, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí với nội dung của bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số là cần thiết nhằm đánh giá chất lượng điều hành của các cơ quan, đơn vị trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu việc đánh giá phải dựa trên thực chất khối lượng công việc được giao và phải chỉ ra được những tồn tại, bất cập để khắc phục. Vì vậy, các sở ngành, địa phương cần tham gia trực tiếp vào bộ tiêu chí đánh giá đảm bảo công bằng khách quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý để hoàn thiện bộ tiêu chỉ đánh giá. ​​
 

Đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến tham gia tại phiên họp 

Cũng  tại phiên họp, UBND tỉnh thống nhất với Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công sử dụng ngân sách tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư  tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp và điều chính các số liệu đảm bảo chính xác trước khi trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh trong thời gian tới.

​Xem xét phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đến hết năm 2025. 

Theo Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sơ hữu đến năm 2025, tỉnh sẽ duy trì 2 doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ là các Công ty TNHH một thành viên: Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương; Xổ số kiến thiết Hải Dương. Thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2025 đối  Công ty TNHH MTV Khu công nghiệp Lai Vu.​ Tỷ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa từ 50% trở xuống.

Thực hiện thoái 100% vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau thoái vốn nhà nước không nắm giữ vốn điều lệ) đối với Công ty cổ phần Giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh; Công ty cổ phần Truyền hình Cáp Hải Dương; Công ty cổ phần Quản lý các bến xe khách Hải Dương; Công ty Xi măng Phúc Sơn; Công ty cổ phần Giống cây trồng Hải Dương.​ Tỉnh có 2 doanh nghiệp sắp xếp theo phương án riêng. Đó là các Công ty TNHH một thành viên Giống Gia súc Hải Dương; Thương mại Dịch vụ Hải Dương​  xác định phương án sắp xếp phù hợp với quy định pháp luật và bảo đảm tính khả thi báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự,  rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện kế hoạch sắp xếp đảm bảo tính khả thi, đúng quy định pháp luật sớm trình UBND tỉnh phê duyệt . 



Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu tham gia ý kiến tại phiên họp 

Triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt 

Tại phiên họp,  Sở Kế hoạch và Đầu tư  báo cáo Đề cương, nhiệm vụ lập Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt bao gồm 5 nhiệm vụ:  Xây dựng đề cương, dự toán nghiên cứu; Khảo sát, thu thập thông tin đầu vào; xây dựng hệ thống sơ đồ, bản đồ; Xây dựng nội dung báo cáo Đề án Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương; Tổ chức hội nghị, hội thảo xin ý kiến và trình phê duyệt Đề án và Quản lý và thực hiện đề án​

Phạm vi của khu kinh tế chuyên biệt có quy mô khoảng 5.300 ha thuộc các huyện Bình Giang, Thanh Miện. Tuy nhiên không gian nghiên cứu mở rộng tới các vùng, khu vực trong và ngoài tỉnh có kết nối với khu kinh tế chuyên biệt.

Sau khi nghe ý kiến tham gia góp ý của các đồng chí tham dự cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng thống nhất với nội dung báo cáo, ​yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước ngày 12/4. Hồ sơ đề án khu kinh tế chuyên biệt phải hoàn thành trước tháng 7/2024.

Cuối phiên họp buổi sáng, UBND tỉnh nghe Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo nội dung phương án đầu tư cải tạo, xây mới các hạng mục công trình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Qua nghe các ý kiến tham gia góp ý, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý và làm lại tờ trình đảm bảo sát với kế hoạch đầu tư công của tỉnh. 

Xem xét thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 4 (lần 2) dưới sự chủ trì của đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. 


Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4 lần 2 ( phiên họp buổi chiều) 


Tại phiên họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi 374,8 ha đất để thực hiện 92 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cho phép chuyển mục đích sử dụng 138,21 ha đất trồng lúa để thực hiện 58 dự án. ​

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng các loại đất trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã nhằm bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quốc gia phân bổ. Đến năm 2025 đất an ninh được điều chỉnh từ 394 ha lên 484 ha. Đất khu công nghiệp đến năm 2030 là 5.661 ha. Đất cụm công nghiệp đến năm 2030 là là 2.947 ha, tăng 1.473 ha so với năm 2020. Đất thương mại dịch vụ được bổ sung cho 2 dự án trung chuyển hàng hóa tại ga Cao Xá (Cẩm Giàng) và cảng thủy nội địa tại xã Hồng Phúc (Ninh Giang). Đất phát triển hạ tầng các cấp đến năm 2025 là 26.639 ha, tăng 2.193ha, đến năm 2030 là 32.054ha, tăng 7.608 ha so với hiện trạng năm 2020. 

Kết luận nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cơ bản thống nhất với tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương tiếp tục thống kê, rà soát các dự án, công trình để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới. Chậm nhất ngày 15/4, các đơn vị phải hoàn thành việc rà soát. Diện tích đất thu hồi ưu tiên phục vụ các dự án, công trình cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Về điều chỉnh chỉ tiêu một số loại đất, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để bảo đảm hiệu quả, hợp lý.

Xem xét một số nội dung báo cáo của các sở, ngành

Tại phiên họp, UBND tỉnh nghe Sở Giao thông vận tải báo cáo chủ trương, phương án triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình cầu vượt sông Kim Sơn kết nối giao thông giữa huyện Cẩm Giàng với huyện Gia Lộc; Đề nghị phê duyệt dự toán dịch vụ sự nghiệp công: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các đường tỉnh và đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh năm 2024 và Đề nghị phê duyệt dự toán dịch vụ sự nghiệp công: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa trên các tuyến sông địa phương năm 2024. Qua nghe các ý kiến tham gia góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản thống nhất với nội dung của các báo cáo đề xuất do Sở Giao thông vận tải báo cáo. Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường giám sát các dự án, công trình sau khi được phê duyệt. 

Đối với nội dung Tờ trình ban hành Quy định về Phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Sở Xây dựng báo cáo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình. Đồng thời giao Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh tờ trình theo quy định. Cũng liên quan đến Sở Xây dựng tại phiên họp, UBND tỉnh cũng đã nghe, cho ý kiến và thông qua nội dung báo cáo về Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040; Việc sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất các công trình tại một số đơn vị của ngành y tế; Quy định khu vực xây dựng nhà ở tại các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh và việc giải quyết vướng mắc liên quan đến gói thầu số HD-PW-04: Xây dựng hệ thống thoát nước phía Bắc đường sắt và thiết bị thuộc Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương. Đồng thời, thông qua nội dung Bổ sung các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Hải Dương vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 do Sở Công thương báo cáo và thống nhất thông qua nội dung Tờ trình Ban hành Kế hoạch Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới" do Sở Nội vụ báo cáo. 


Đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu tại hội nghị ​

​​​Phiên họp cũng nghe Công an tỉnh báo cáo Chủ trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Qua nghe các ý kiến tham gia góp ý Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có cơ chế chính sách phù hợp. Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Cũng tại phiên họp, Sở Thông tin Truyền thông báo cáo chủ trương đầu tư, mua sắm, nâng cấp thiết bị truyền thanh cho các xã đạt, dự kiến đạt nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và việc thực hiện Dự án: "Xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung, tòa soạn hội tụ, phát triển báo chí đa phương tiện, số hóa dữ liệu Báo Hải Dương và mua sắm thiết bị công nghệ thông tin". Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cơ bàn nhất trí với nội dung báo cáo. Đồng thời, giao Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với các sở ngành liên quan hoàn thiện nội dung báo cáo. 


Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông báo cáo tại phiên họp