Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp

Sáng 28/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp. Các đồng chí: Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
​​​​​
Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị​​​​

Dự hội nghị có đại diện các sở, ngành, địa phương của tỉnh và đại diện các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và nhà đầu thứ cấp trong khu công nghiệp. 

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh có 32 Khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 5.661ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập 17 KCN với tổng quy mô diện tích 2.738,7ha. Trong 17 KCN đã thành lập có 02 KCN do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 73,7 triệu USD và 15 KCN do nhà đầu tư trong nước thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.211 tỷ đồng. Hiện 11 KCN đã có dự án đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động; 02 KCN đang thi công xây dựng hạ tầng, đã  tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp; 01 KCN đang thi công xây dựng; 03 KCN đang thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, chưa thi công xây dựng hạ tầng. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 62,90% trên diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thành lập Khu Kinh tế chuyên biệt với quy mô khoảng 5.300ha, trong đó sẽ hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, khu đô thị đồng bộ hiện đại cùng với Trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu logicstic, khu phi thuế quan.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản điều hành phần thảo luận

​Về tình hình thu hút đầu tư, tính đến ngày ​15/12/2024, các KCN đã thu hút vốn FDI trên 686 triệu USD, thu hút vốn DDI đạt 4.507 tỷ đồng. Ban Quản lý các KCN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 424 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó: có 332 dự án FDI đến từ 24 quốc gia, vùng, lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6,6 tỷ đô la Mỹ; có 92 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 19.000 tỷ đồng. 

​​Tại hội nghị, các đại biểu và nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tập trung thảo luận vào các nội dung như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp; các thủ tục về đất đai, giấy phép xây dựng; những vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng....



Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh đến những kết quả về tình hình kinh tế xã hội tỉnh Hải Dương trong năm 2024​ với mức tăng trưởng 10,2%, đứng thứ 06 cả nước và đứng thứ 03 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Đạt được những thành tích trên, có phần đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp. 
​Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu  cho biết, thời gian vừa qua, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư nói chung, trong đó có môi trường đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang thực hiện việc sáp nhập 03 Trung tâm, gồm: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương) và Trung tâm Xúc tiến Du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành một Trung tâm thuộc Văn phòng UBND tỉnh với mục đích là để tư vấn, hỗ trợ, giải quyết nhanh các thủ tục, dự án của các nhà đầu tư. Để góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc của Nhà đầu tư, UBND tỉnh cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin đề xuất, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp​ (0220.3837.444 và 0936.373.899.) 



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu thông tin, hiện nay theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2025) có quy định các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu bán dẫn và một số lĩnh vực công nghệ cao khác thì “không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy". Qua đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.​

Để giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu​ yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, trước hết về mặt nhận thức phải xác định những nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Hải Dương nói trung; nhà đầu tư KCN, nhà đầu tư thứ cấp sản xuất kinh doanh trong các KCN là bạn, là đối tác là bộ phận quan trọng góp phần vào sự phát triển KTXH của tỉnh,  luôn phải sát cánh, đồng hành, phải xác định việc của các nhà đầu tư cũng là của mình; khó khăn của Nhà đầu tư cũng là khó khăn của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"

Đồng chí yêu cầu,​ chậm nhất ngày 15/01/2025,  các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư; báo cáo kết quả về UBND tỉnh.​ Đối với công tác bồi thường, GPMB, yêu cầu các huyện hoàn thành xong theo tiến độ từng dự án các địa phương đã cam kết và chậm nhất trước ngày 30/4/2025 tất cả các dự án đặt ra tại hội nghị hôm nay phải hoàn thành bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.​


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Ban Quản lý KCN tỉnh xây dựng ngay phương án cắt, giảm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đối với các dự án chậm tiến độ, khi xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án, đặc biệt đối với các dự án chậm tiến độ có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp xem xét nguyên nhân, lý do điều chỉnh của nhà đầu tư, tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về chủ trương.  Chủ trì, cùng các sở, ngành nghiên cứu tham mưu về các yêu cầu, điều kiện để thu hút nhà đầu tư hạ tầng có năng lực tốt, trách nhiệm cao. 


Đối với  các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu bám sát kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết của từng khu công nghiệp, cam kết rõ tiến độ hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai thi công, bảo đảm đúng tiến độ chấp thuận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khẩn trương rà soát, lập quy hoạch phân khu KCN, trình thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định. Đối với các KCN nằm trong khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế chuyên biệt, cần bảo đảm khớp nối đồng bộ đối với định hướng, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế chuyên biệt.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu thực hiện Điều 81, Luật Đất đai 2024 về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt đối với các dự án trong khu công nghiệp chậm tiến độ, vi phạm. Tham mưu về việc ngừng hoạt động của dự án, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp dự án triển khai không bảo đảm yêu cầu, chậm tiến độ, tránh lãng phí tài nguyên đất đai theo quy định.

Cục Thuế tỉnh có biện pháp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký, kê khai nộp đầy đủ các loại thuế, phí ở tại tỉnh Hải Dương; Tham gia ý kiến trong quá trình xem xét tiếp nhận dự án đầu tư, đánh giá năng lực, bổ sung ngành nghề, mở rộng, gia hạn dự án thành lập chi nhánh của nhà đầu tư trong các khu công nghiệp; kịp thời tham mưu trình tự, thủ tục, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn UBND thành phố Chí Linh, các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Thanh Miện khẩn trương lập quy hoạch phân khu KCN, trình thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp làm việc với các nhà đầu tư để đôn đốc, hướng dẫn, khẩn trương hoàn thiện bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác đảm bảo an ninh trật tự để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh.

 Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung của tỉnh để làm cơ sở giảm thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong khu công nghiệp và thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh.
 

Đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy các KCN, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư trên 01ha cao hơn trung bình các tỉnh lân cận; tập trung vào các lĩnh vực công nghệ AI, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu bán dẫn và một số lĩnh vực công nghệ cao khác. Tập trung đầu tư các thiết chế xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà văn hóa để nâng cao chất lượng sống cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại khu vực thực hiện dự án. Phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án trên cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật. Ngay khi tiếp nhận Nhà đầu tư thứ cấp cần chủ động làm việc về một số nội dung để phối hợp tuyển chọn, đào tạo lao động có tay nghề: số lượng lao động, ngành nghề cần sử dụng, chế độ đãi ngộ... thực sự là cầu nối giữa chính quyền, người lao động và chủ sử dụng lao động.


Toàn cảnh hội nghị 

Đối với các nhà đầu tư chưa hoàn thành GPMB, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngay sau khi có quyết định giao chủ đầu tư, cần tập trung phối hợp với chính quyền địa phương để có kế hoạch đẩy nhanh nhất tiến độ GPMB;  Nộp toàn bộ kinh phí GPMB theo phương án được duyệt vào tài khoản của  Hội đồng GPMB địa phương. Đối với KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2, KCN Lai Cách, KCN Kim Thành, KCN Lương Điền Ngọc Liên, KCN Tân Trường mở rộng cần tập trung phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác GPMB hoàn thành trước 30/4/2025.  

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công có uy tín chất lượng; tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị để bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng nhanh nhất, chất lượng tốt nhất; hoàn thành vượt tiến độ về thời gian đầu tư hạ tầng đã cam kết.