Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp
Tại điểm cầu Hải Dương, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương chủ trì cuộc họp.
Bão số 3 có tên gọi quốc tế là Yagi được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Sáng 03/9, bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 11. Đến 10 giờ sáng ngày 5/9, tâm bão tại vị trí 19,1 độ vĩ Bắc, 115,5 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490km về phía Đông với cường độ cấp 16, giật cấp 17 trên vùng biển phía Bắc khu vực bắc Biển Đông. Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7 - 9 m, vùng gần tâm bão 10 - 12 m, biển động dữ dội. Dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/h; tiếp tục duy trì cường độ rất mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông trong các ngày 5 - 7/9/2024. Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) với cường độ cấp 9 - 12, giật cấp 13 - 14. Từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7 - 8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc Bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 3
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 86 ngày 03/9/2024 và số 87 ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trên tinh thần “4 tại chỗ", các ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là ở những nơi xung yếu. Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão tại các địa phương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến với người dân ứng phó với bão, lũ, bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo, khu vực ven biển, trên đất liền và miền núi. Ban chỉ huy các cấp cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng, tiếp tục chuẩn bị chu đáo nhất có thể với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 3. Theo nhận định mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương vào lúc 17 giờ ngày 5/9, từ sáng sớm 7/9 bão số 3 có khả năng gây ra gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ đêm 6-9/9, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-350 mm. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xác định vùng ảnh hưởng do bão số 3 gây ra là phạm vi toàn tỉnh với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3 (rủi ro lớn).
Đồng chí Lương Văn Cảnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo công tác ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân nhấn mạnh công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 rất gấp gáp, chỉ còn tính bằng giờ nên các cấp, các ngành phải nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Kịch bản ứng phó bão số 3 không chỉ tập trung ở sản xuất nông nghiệp mà còn chú ý đến các lĩnh vực khác như công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo, không để sơ suất nhỏ, gây hậu quả, thiệt hại lớn. Ngành nông nghiệp chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án phòng chống bão số 3 phù hợp theo diễn biến tình hình. Trong đó, lưu ý tới việc bơm tiêu nước đệm, đề phòng mưa lớn, rà soát các công trình cũ, xuống cấp, khu vực hồ đập...
Các cấp, các ngành phải chủ động theo dõi diễn biến mưa, bão, lũ nhằm đưa ra phương án ứng phó ở mức độ cao, không để bị động, bất ngờ trước thiên tai. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra thiếu sót trong công tác phòng chống thiên tai. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi diễn biến bão số 3, kịp thời báo cáo tình hình để chủ động trong chỉ đạo ứng phó. Các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về diễn biến mưa bão và công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành. Thông tin tuyên truyền phải liên tục, phù hợp với tình hình địa phương.
Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân yêu cầu các cơ quan chuyên môn, địa phương khuyến cáo nông dân thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn khu vực nuôi thủy sản, bảo vệ các công trình, kho tàng, bến bãi. Ngành điện kiểm tra hệ thống công trình điện để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận hành các trạm bơm tiêu.Rà soát, các vị trí đê điều, thủy lợi xung yếu, có phương án ứng phó ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện đôn đốc chủ đầu tư có biện pháp bảo vệ công trình, tài sản phục vụ sản xuất công nghiệp. Công tác thống kê thiệt hại sau bão số 3 phải thực hiện khẩn trương, kịp thời, từ đó có căn cứ đề xuất phương án hỗ trợ thiệt hại, phục hồi, ổn định sản xuất.