Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Vải thiều Thanh Hà đang được giá, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu

Năm 2024 là năm vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay. Hiện vải thiều Thanh Hà đã có mặt tại các thị trường khó tính như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc...
Trao đổi với Mekong ASEAN, bà Hoàng Thị Thúy Hà – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2024 diện tích vải thiều Thanh Hà đạt 3.282 ha, trong đó vải sớm khoảng 1.900 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Dự kiến, sản lượng vải đạt trên 20.000 tấn, bằng khoảng 50% so với năm 2023. Năm nay sản lượng vải toàn huyện giảm cùng với việc chất lượng vải được nâng cao, do đó dự kiến giá vải sẽ cao hơn các năm từ 10 – 20%.

Theo khảo sát của Mekong ASEAN, hiện nay giá vải U trứng của Hải Dương tại các khu chợ bán lẻ Hà Nội có mức giá tương đối cao. Tại khu chợ Nguyễn Đổng Chi, các tiểu thương bán với giá 90.000 đồng/kg. Tại khu chợ Nghĩa Tân, trong chợ hầu như các tiểu thương không bày bán do đầu mùa vải còn chua, trong khi các sạp ngoài chợ lại bán với giá dao động từ 70.000 – 100.000 đồng/kg. Ở cửa hàng hoa quả của chợ Thành Công, giá vải lên tới 140.000 đồng/kg.

Giá tại các nhà vườn cũng đang ở mức cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà Hoàng Thị Thúy Hà, hiện nay trên địa bàn huyện nhiều diện tích U trứng trắng và U trứng gai đã đến kỳ thu hoạch, giá bán tại vườn dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg đối với U trứng trắng và 40.000 – 50.000 đồng/kg đối với U trứng gai.

“Đây được đánh giá là năm vải có giá bán cao nhất so với các năm trở lại đây", bà Hoàng Thị Thúy Hà nhận định.

Theo bà Hà, tình trạng giá vải ở mức cao do yếu tố thời tiết khiến sản lượng vải thiều Thanh Hà giảm so với năm 2023. Bên cạnh đó, năm 2024 là năm vải thiều Thanh Hà được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay; diện tích vải được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu và cung ứng các siêu thị lớn trong nước.

Năm 2024, toàn huyện có 48 vùng trồng vải với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu (48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Australia, 38 mã xuất khẩu sang Mỹ, 34 mã xuất khẩu sang Nhật Bản, 8 mã xuất khẩu sang Thái Lan); 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.

“Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu đã được các doanh nghiệp, người dân tại các thị trường đánh giá rất cao về chất lượng và sự an toàn, chính vì vậy, sản lượng vải xuất khẩu ngày càng được nâng lên", bà Hà chia sẻ.

XK vai 2024 2.jpg 
Vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khắt khe như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Singapore... Ảnh: Phùng Nguyện

Bên cạnh thị trường Australia, vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Séc, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc khu vực Trung Đông, ASEAN.

Với việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính, ngày 14/5 vừa qua, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên trong năm 2024 đã được xuất khẩu sang Australia bằng đường hàng không với sản lượng khoảng một tấn do công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thực hiện.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Mai Xuân Thìn – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho biết, thường lượng xuất khẩu của doanh nghiệp năm nay sẽ nhiều hơn năm trước. Năm 2023 doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 5 - 6 container sang Australia, còn đối với năm 2024 sẽ tùy vào tình hình thị trường mà Rồng Đỏ có mục tiêu cụ thể.

Ngoài thị trường Australia, Rồng Đỏ cũng xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó Nhật Bản đã là năm thứ 5, bên cạnh đó là các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu, Trung Đông… Năm 2024, Rồng Đỏ tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang các thị trường.

Hợp tác Chính quyền – Doanh nghiệp – Nông dân để nâng tầm quả vải Thanh Hà

Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, để vải đủ điều kiện xuất khẩu, bên cạnh sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của cơ quan chuyên môn từ tỉnh, huyện, xã, còn có sự góp sức của các doanh nghiệp xuất khẩu và người dân.

Cụ thể, cơ quan chuyên môn từ tỉnh, huyện, xã thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất vải; đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu mới và giám sát các mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp.

Đồng thời, xây dựng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; các quy định của các nước nhập khẩu; các hoạt chất được phép sử dụng, không được phép sử dụng. Phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây…, hướng dẫn các hộ dân thực hiện theo đúng quy trình quy định.

Trong khi đó, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ quy định, yêu cầu của nước xuất khẩu để có biện pháp phối hợp thực hiện từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản xuất khẩu thuận lợi. Phối hợp với các hộ dân định hướng thị trường xuất khẩu để hộ dân sản xuất theo quy định nước xuất khẩu; áp dụng quy trình sơ chế, đóng gói xuất khẩu phù hợp (chiếu xạ, xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide…) và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Đối với nông dân, người sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chỉ được sử dụng bộ thuốc BVTV do chi cục Trồng trọt và BVTV quy định, các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng và tuyệt đối không được sử dụng các hoạt chất mà nước nhập khẩu cấm. Đồng thời, sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo đáp ứng quy định của các nước nhập khẩu về mức dư lượng tối đa cho phép trên quả vải thiều; thực hiện vệ sinh vùng trồng và ghi chép nhật ký sản xuất; đảm bảo sản phẩm vải thiều sau khi phân tích đạt tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu quy định.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển và xúc tiến thời gian tới, bà Hoàng Thị Thúy Hà cho biết, UBND huyện Thanh Hà sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều Thanh Hà thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; với mỗi mã số vùng trồng xuất khẩu, chỉ đạo sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường xuất khẩu hướng tới;

Huyện thực hiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị: tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các tổ sản xuất vải. Huyện cũng hỗ trợ, giám sát các hộ dân trong tổ sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng các quy trình đến khâu tổ chức thu hoạch, sơ chế, đóng gói.

Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng thương hiệu và quảng bá xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức: trực tiếp tại các hội chợ, điểm bán hàng; trực tuyến qua các điểm cầu trong và ngoài nước để vải thiều Thanh Hà được người dân nhiều quốc gia biết đến, tạo điều kiện để xuất khẩu thuận lợi.