Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; Nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% người quản lý lãnh đạo; 96% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 90% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2025, có từ 95% trở lên cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt yêu cầu về ATTP; Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 6 người/100.000 dân.
Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP trong toàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh năm 2025. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát về ATTP, xử lý những trường hợp vi phạm về an ninh, ATTP; Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; kiểm soát các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm.