Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 14.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự án
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Theo dự thảo, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ tác động mạnh mẽ đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.
Trong đó Chủ tịch UBND xã có 16 nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 23 dự thảo Luật.
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã được Chính phủ đề xuất: "Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan Nhà nước cấp trên.
Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch UBND cấp mình, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình".
Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương: HĐND cấp xã được tổ chức gồm 2 Ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn phù hợp với quy mô, đặc thù của đơn vị hành chính và có thể bố trí công chức chuyên trách đảm nhiệm lĩnh vực cụ thể. Số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng được điều chỉnh để phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Cấp xã được mở rộng thẩm quyền, cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi quản lý địa bàn - điểm mới so với quy định hiện hành.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TPHCM) đề nghị ban soạn thảo dự án luật cần kế thừa những tinh hoa, ưu điểm của mô hình cũ trong tổ chức chính quyền ở địa phương.
Đại biểu đề nghị bổ sung rõ vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, trách nhiệm giải trình đối với nhân dân trong tổ chức, giải quyết các vụ việc một cách rõ hơn.
Ngoài ra là nâng cao dịch vụ hành chính công để thực hiện tổ chức chính quyền địa phương được hiệu quả hơn.