
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hải Dương
Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương cùng đại diện của các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các hiệp hội doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu hướng chủ đạo nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến đầu năm 2025, có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Các hiệp định này không chỉ tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước hay minh bạch hóa trong điều hành chính sách.
Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia vào tiến trình này. Từ việc gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1996, đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA đã khẳng định cam kết hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Các FTA này mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Các cam kết cải cách và minh bạch hóa thể chế trong khuôn khổ FTA cũng tạo động lực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Lễ công bố được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội và kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước
Tuy nhiên, thực tế triển khai FTA tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa đồng đều giữa các địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp còn chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động... Mặt khác, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định.
Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (Bộ chỉ số FTA Index). Nội dung khảo sát của Bộ chỉ số FTA Index tập trung vào 04 nội dung chính: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA và việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Bộ chỉ số FTA Index hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; hỗ trợ địa phương đánh giá kết quả thực thi FTA theo chương trình hành động đã đề ra; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương.
Bộ chỉ số cũng góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong tận dụng cơ hội từ FTA, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thử nghiệm các công cụ đo lường hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế một cách khoa học và thực tiễn hơn.
Tại buổi lễ, Bộ Công Thương đã công bố kết quả khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại các địa phương, mức độ tiếp cận thông tin về FTA của cộng đồng doanh nghiệp, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc mà địa phương, doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện, tận dụng các FTA...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là lần đầu tiên xây dựng Bộ chỉ số đo lường về kết quả thực hiện các FTA Index trong bối cảnh thế giới hội nhập và kết nối các nền kinh tế, thể hiện tính chuyên nghiệp của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Việt Nam đã ký kết 17 FTA, điều này thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam, thể hiện sự hợp tác, sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việc triển khai và thực thi hiệu quả của các FTA không chỉ là thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà là động lực thúc đẩy giúp Việt Nam thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau, thúc đẩy Việt Nam nỗ lực, cố gắng hơn nữa và đã mang lại hiệu quả. Với tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã vươn lên, giành nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, GDP của Việt Nam đạt 470 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tương đương 4.700 USD.
Thời gian qua, hội nhập kinh tế quốc tế và việc tham gia vào các FTA đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để hoàn thiện công cụ này, phục vụ chiến lược kinh tế - thương mại lâu dài của đất nước.Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới với đối tác tiềm năng; thực hiện đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố
Mong muốn các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại thị trường, sản xuất kinh doanh, Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu các chính sách, làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia phù hợp; các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp, các đại sứ quán để kết nối nền kinh tế nước ta với thế giới và doanh nghiệp.
Đề nghị bạn bè quốc tế tiếp tục hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình hội nhập, trong đó có thực hiện hiệu quả các FTA, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng, với chiến lược bài bản, sự phối hợp chặt chẽ và công cụ hỗ trợ hiệu quả như Bộ chỉ số FTA Index, lợi ích từ các FTA sẽ được khai thác tối đa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững hơn, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn về hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới...