Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Hải Dương tham dự phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chiều 10/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo. Phiên họp diễn ra tại trụ sở Chính phủ và được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

​Tham dự phiên họp tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể là ​thành viên ​Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Image31e3ab2c66ead7b48efb.jpg

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu UBND tỉnh Hải Dương

Ngay sau phiên họp thứ 2, Thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ đã hoàn thành 4 văn bản hướng dẫn, trong đó, có 2 nội dung quan trọng: Tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Xây dựng hướng dẫn; khấu trừ thuế với kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Tài chính hướng dẫn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 7/3/2025 về phương án phân bổ sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ ngày 1/3, hệ thống chính trị hoạt động theo bộ máy mới và các cơ quan mới thành lập đã bắt tay vào công việc, không để đình trệ. BCĐ Trung ương hoàn thành việc thành lập, kiện toàn BCĐ và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ. 58 địa phương đã thành lập BCĐ, 5 địa phương không thành lập do không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% huyện thành lập BCĐ; 8.603/8.890 xã thành lập BCĐ. BCĐ các cấp cơ bản ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; 100% địa phương ban hành kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; 36 địa phương tổ chức chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát với kinh phí huy động được trên 2.690 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 6/3, cả nước hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 121.638/223.146 nhà, đạt 54,5% (65.564 nhà đã khánh thành, 56.074 nhà khởi công mới). Trong đó, 10.338 nhà ở cho người có công với cách mạng; 57.664 nhà thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia; 53.636 nhà thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đã chuyển 2.230/3.464 tỷ đồng theo phương án huy động nguồn lực tại chương trình phát động ngày 5/10/2024, đạt 64,4%. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn lại đã có kế hoạch dự kiến hoàn thành việc chuyển kinh phí hỗ trợ trong quý II/2025 để các địa phương tổ chức triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, một số đơn vị chủ động, phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã hỗ trợ thêm kinh phí triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho một số địa phương như: Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm 166 tỷ đồng (nâng tổng kinh phí đã hỗ trợ 566 tỷ đồng, tương đương khoảng 11.050 nhà). Ngành ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung khoảng gần 91 tỷ đồng; phát động toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động toàn ngành ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương để chung tay xóa 1.000 căn nhà (nâng tổng mức hỗ trợ của ngành ngân hàng gần 1.313 tỷ đồng)…

Tính đến hết ngày 28/2, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương tiếp nhận trên 80,159 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đã phân bổ 13,74 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 240 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo của huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) và 80 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Nghệ An.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được trong thời gian qua, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay; phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, liên quan đến vấn đề đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mạnh mẽ trong thời gian tới; kế hoạch kiểm tra, giám sát của BCĐ các cấp…

img9312-1741594013730854976356.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (ảnh:chinhphu.vn)

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các địa phương tích cực khắc phục khó khăn, cần nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm). Với tinh thần chỉ bàn làm, chứ không bàn lùi, tiếp tục phát huy tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”, bảo đảm tiến độ chương trình, vì cuộc sống của nhân dân.

Tiếp tục huy động, kêu gọi, đa dạng các nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, gồm ngân sách Nhà nước và kêu gọi mọi tổ chức, người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện chương trình.

Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc trong thực hiện chương trình.

​Các cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh nội lực và ngoại lực, quyết liệt chỉ đạo để phấn đấu đến ngày 30/10/2025, cơ bản hoàn thành mục tiêu XNT, NDN tại địa phương mình thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh/thành phố, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.