Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các, sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Hội nghị đã quán triệt nội dung về kết quả hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua 4 luật, 5 nghị quyết liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và 3 nghị quyết quy phạm pháp luật khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, cấp bách, cần thiết đối với một số dự án, công trình quan trọng.
Cụ thể, về các luật, nghị quyết để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các luật, nghị quyết được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để toàn hệ thống các cơ quan Nhà nước có thể tiếp tục hoạt động một cách liên tục, bình thường trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, có hiệu lực đồng thời với các luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025, nhằm kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi.
Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, các nội dung quan trọng, cấp bách, gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, đơn vị cũng có báo cáo cụ thể những điểm mới, nội dung trọng tâm của các luật, nghị quyết mới được thông qua.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành trong quá trình phối hợp soạn thảo, thẩm định, cho ý kiến nhằm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm chất lượng, tiến độ.
Đồng thời đề nghị các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và ban hành 55 văn bản quy định chi tiết đang chậm, nỗ lực hoàn thành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2025; khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Các bộ trưởng, ngành, địa phương cần chú trọng bố trí nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình xây dựng, ban hành, triển khai các luật, nghị quyết phải cần có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm đảm bảo yêu cầu đề ra; cần chú ý lắng nghe các phản hồi, góp ý của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, Nhân dân để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để phản ánh những cái hay, tồn tại, vướng mắc nhằm hoàn thiện các luật, nghị quyết. Việc triển khai luật, nghị quyết phải đảm bảo đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên, QP-AN và KT-XH ngày càng phát triển vững mạnh, nâng cao vị thế đất nước trong quá trình hội nhập.