
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Theo báo cáo, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát 594 văn bản, đề xuất xử lý phân cấp, phân quyền đối với 66 văn bản, bao gồm 9 Luật, 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 28 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 Thông tư. Kết quả đề xuất gồm 80 nhiệm vụ phân cấp, phân quyền và 130 nhiệm vụ phân định thẩm quyền giữa các cấp hành chính, trong đó nổi bật là 123 nhiệm vụ được chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã.
Về dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, nhóm nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện (90 nhiệm vụ) cơ bản sẽ chuyển cho cấp xã thực hiện.
Về dự thảo Nghị định về phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước lĩnh vực xây dựng, giao thông (giữa Trung ương với địa phương), 21 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phần quyền cho Bộ trưởng; 3 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho địa phương; 28 thẩm quyền của Bộ trưởng, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ phân cấp cho chính quyền địa phương...
Việc phân cấp, phân quyền được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của Bộ, cơ quan Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương tinh thần làm việc khẩn trương, quyết liệt của Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành liên quan. Đồng chí yêu cầu: việc phân cấp cần đảm bảo các nguyên tắc, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, chú ý các tiêu chí, nguyên tắc rõ người rõ việc từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời phân tích, đánh giá các nhiệm vụ có tính chuyên môn cụ thể gắn với điều kiện thực thi;
Bên cạnh đó, cần làm rõ điều kiện thực thi, phân quyền, ủy quyền đi đôi với giám sát kiểm tra; lấy đây là căn cứ quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn mới.